Công
an TP Huế đang tạm giữ hình sự Hồ Văn Phương Tâm (42 tuổi, ở TP Huế) để
điều tra hành vi làm hư hỏng tài sản là ngai vàng triều Nguyễn ở điện
Thái Hòa, trong Đại Nội Huế.
Theo công
an, sáng 24/5, Phương mua vé vào cổng Đại Nội Huế. Vào khu vực điện
Thái Hòa, đối tượng leo qua hàng rào bảo vệ, ngồi lên ngai vàng triều
Nguyễn rồi bẻ phần tựa bên trái của ngai vàng, đập phá làm gãy thành
nhiều mảnh. Khoảng 12h10 cùng ngày, đối tượng bị lực lượng bảo vệ khống
chế, bàn giao cho Công an phường Đông Ba để lập hồ sơ xử lý.
Quá
trình giải quyết, Tâm có biểu hiện tâm thần, nói nhảm, không thể trả
lời câu hỏi của công an. Hiện đối tượng sống lang thang tại TP Huế sau
khi bị người thân từ chối cho sống cùng.
Với diễn biến hành vi và tâm lý như trên, Tâm có thể bị xử lý ra sao theo quy định của pháp luật?
Đối tượng Tâm leo lên khu vực ngai vàng và thực hiện hành vi phá hoại Bảo vật quốc gia (Ảnh cắt từ clip).
Chế tài xử lý người vi phạm
Luật
sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư
TPHCM) cho biết theo Luật Di sản văn hóa 2024, mọi di sản văn hóa trên
lãnh thổ Việt Nam bao gồm di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đều được quản
lý, bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định của pháp luật.
Trong
đó, các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: Phá hoại, chiếm đoạt, sử dụng
trái phép di sản văn hóa; Mua bán, trao đổi, vận chuyển trái phép di
vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và Đưa trái phép di vật, cổ vật, bảo vật
quốc gia ra nước ngoài. Mọi hành vi phá hoại, làm hư hỏng di sản văn hóa
đều là vi phạm pháp luật. Tùy thuộc mức độ, tính chất của hành vi,
người vi phạm sẽ bị áp dụng các chế tài xử lý theo quy định của pháp
luật.
Đối với vụ việc nêu trên, Tâm đã
có hành vi trèo lên ngai vàng triều Nguyễn, bẻ phần tựa trái của ngai
vàng và đập gãy thành nhiều mảnh. Đây là hành vi có dấu hiệu đồng thời
của 2 tội danh, đó là Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178)
và Vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử - văn hóa,
danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 345) quy định tại Bộ
luật Hình sự 2015.
Cụ thể, theo Điều
178 Bộ luật Hình sự 2015, người có hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản có
giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng là di vật,
cổ vật sẽ bị xử lý về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản với
khung hình phạt là phạt tiền 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam
giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp tài sản là
bảo vật quốc gia, khung hình phạt áp dụng là 2-7 năm tù.
Còn
theo Điều 345 Bộ luật này, người có hành vi hủy hoại, làm thay đổi yếu
tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh
thì có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền 10-100 triệu đồng, phạt cải tạo
không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp
giá trị tài sản hư hại từ 500 triệu đồng trở lên, khung hình phạt có thể
áp dụng là 3-7 năm tù.
Theo nguyên
tắc hấp dẫn tội danh, đối với trường hợp một hành vi có dấu hiệu của
cùng lúc từ 2 tội danh trở lên, việc xử lý hình sự sẽ áp dụng theo tội
danh có khung hình phạt nặng hơn. Do đó, đối với trường hợp này, cơ quan
chức năng cần tiến hành định giá để xác định giá trị tài sản hư hại, từ
đó xác định tội danh phù hợp dành cho đối tượng Tâm.
Về
trách nhiệm dân sự, theo Điều 584, 589 Bộ luật Dân sự 2015, người gây
thiệt hại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại vật chất, bao gồm Chi phí
phục hồi, tu sửa bảo vật; Chi phí liên quan đến việc trưng bày tạm thời,
bảo quản khẩn cấp; Thiệt hại do ngưng trưng bày (nếu có thể định lượng)
và các chi phí phát sinh khác liên quan trực tiếp đến hậu quả. Số tiền
cụ thể phụ thuộc vào kết quả định giá thiệt hại thực tế và chi phí phục
hồi ngai vàng (vốn là một hiện vật quý hiếm).
Hồ Văn Phương Tâm (Ảnh: Công an cung cấp).
Về
việc đối tượng có dấu hiệu tâm thần, nói nhảm, gây khó khăn cho hoạt
động điều tra, luật sư nhận định cơ quan điều tra sẽ đưa đối tượng đi
giám định tâm thần. Nếu kết quả giám định cho thấy đối tượng bị mất hoàn
toàn khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi hoặc đang mắc bệnh
tâm thần và thuộc trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự theo
Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015, có thể xem xét không xử lý hình sự.
Ngược
lại, nếu kết quả cho thấy đối tượng không bị mất năng lực hành vi, việc
có biểu hiện tâm thần là hậu quả của việc sử dụng các chất kích thích
(VD: Rượu, bia, ma túy...) hoặc có khiếm khuyết về năng lực hành vi
nhưng chưa tới mức mất hoàn toàn nhận thức, khả năng điều khiển hành vi
thì vẫn có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp
luật.
Trách nhiệm của cơ quan quản lý
Về
phía cơ quan quản lý, luật sư Hùng nhìn nhận đơn vị quản lý di sản có
trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa và thực hiện các biện pháp
phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại di sản. Với việc xảy
ra sự cố như trên, cần xem xét trách nhiệm của đơn vị quản lý.
"Sự
việc đặt ra câu hỏi về hiệu quả của công tác bảo vệ di tích, khi một du
khách có thể vượt qua hàng rào bảo vệ và phá hoại bảo vật quốc gia. Do
đó, cần làm rõ đơn vị quản lý đã thực hiện nghiêm các quy tắc về an
ninh, bảo quản di sản quốc gia hay chưa, từ đó xác định có yếu tố lỗi
trong việc bảo vệ di sản hay không", luật sư bình luận.
Ngai vàng triều Nguyễn trước khi bị phá hoại (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế).
Cụ
thể, theo Điều 179 Bộ luật Hình sự 2015, người nào có nhiệm vụ trực
tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức,
doanh nghiệp, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây
thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ
100 triệu đồng trở lên có thể xử lý về tội Thiếu trách nhiệm gây thiệt
hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Tuy
nhiên, để có căn cứ xác định trách nhiệm về tội danh này, cần làm rõ có
yếu tố lỗi trong việc quản lý, bảo quản tài sản hay không. Việc xử lý
phải phụ thuộc vào kết quả xác minh, thanh tra của cơ quan có thẩm
quyền.
Nguồn: https://dantri.com.vn/ban-doc/doi-tuong-pha-ngai-vang-trieu-nguyen-co-bieu-hien-tam-than-xu-ly-ra-sao-20250526142550053.htm