Nhân sự "bóc phốt", xóa dữ liệu sau khi nghỉ việc
Vừa qua, trên mạng xã hội bất ngờ lan truyền đoạn clip với nội dung: "Nhân viên Gen Z livestream (phát trực tiếp) bóc phốt công ty sau 1 tháng làm việc".
Câu chuyện nhanh chóng nhận được hàng chục nghìn lượt quan tâm từ cư dân mạng. Trong đó, nhiều người tỏ ra đồng tình với chủ nhân đoạn clip khi phải làm việc trong môi trường bất cập, bên cạnh một vài ý kiến cho rằng đây là việc tối kỵ.
Clip chàng trai "bóc phốt" công ty nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình).
Theo đó, đoạn clip trên được cắt ra từ buổi phát sóng trực tiếp dài gần 2 tiếng của chàng trai tên C.T. Chàng trai này chia sẻ, trong thời gian học thử việc tại một công ty bảo hiểm, anh cảm thấy sự mập mờ và bất bình trong chính sách.
Ngay tại buổi phát sóng, quản lý đã gọi điện, yêu cầu C.T tắt sóng. Thế nhưng, chàng trai không chấp nhận và trực tiếp đưa ra chất vấn ngay trên mạng xã hội.
Sau khi gây tranh cãi, C.T cũng đã đăng tải thêm clip phân trần và cho biết bản thân bất ngờ khi nội dung bị cắt, đăng tải tràn lan trên mạng. Theo đó, tất cả chia sẻ của chàng trai là trải nghiệm của bản thân ở thời điểm đi làm chứ không phải để hạ bệ công ty.
Trước đó, vào tháng 7, một công ty phụ kiện thời trang tại TPHCM cũng đăng bài tố 2 nhân viên "thiếu suy nghĩ, thiếu đạo đức, thiếu trách nhiệm".
Theo đó, 2 sinh viên P.U và P.N làm marketing bán thời gian tại công ty đã có nhiều sai phạm nên bị cho nghỉ việc.
Bất ngờ thay, 2 nhân viên này đã vào Facebook xóa khoảng 300 bài đăng với lượt tương tác cao mà công ty đã bỏ hàng tỷ đồng chạy quảng cáo và các dữ liệu thông tin, hình ảnh lưu trữ trên Google drive.
Hai cô gái bị chủ shop đăng bài tố vì xóa dữ liệu sau khi nghỉ việc (Ảnh chụp màn hình).
Cần làm gì để tránh tình trạng "bóc phốt" trên mạng xã hội?
Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long, việc lao động "bóc phốt" công ty sau khi nghỉ việc sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho cả công ty và bản thân người lao động.
Về phía công ty, hành vi này tạo ra sự ngờ vực đối với đối tác, khách hàng và ngay cả những nhân viên đang làm việc, ứng cử viên tương lai. Một nguy cơ thấp hơn nhưng vẫn có thể xảy ra, bất cứ ồn ào của doanh nghiệp đều kéo theo việc cơ quan chức năng có thể thanh tra, kiểm tra.
Việc "bóc phốt" trên mạng xã hội sẽ kéo theo nhiều hậu quả đối với doanh nghiệp và người lao động (Nguồn ảnh: Pexels).
Về phía người lao động, việc "bóc phốt" sẽ tạo hình ảnh méo mó, thông tin được lưu giữ trên internet nên sau khi xin việc ở nơi khác luôn khiến nhà tuyển dụng e dè và đề phòng.
Nhằm hạn chế các tình huống xấu trên mạng xã hội, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long chia sẻ, phía công ty cần có cơ chế, bộ phận giám sát, kiểm sát, cố vấn nội bộ để xử lý các kiện cáo. Đồng thời, thiết lập các báo cáo ẩn danh đảm bảo được xem bởi lãnh đạo công ty nhằm giúp lao động được lắng nghe.
Riêng người lao động cần có ý thức hậu quả có thể xảy ra cho mình và cả công ty. Sau khi xảy ra xích mích, nhân sự cần đối thoại trực tiếp với công ty trước tiên để giải quyết.
Theo luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM cho biết: Mỗi công dân đều có quyền trình bày quan điểm, ý kiến cá nhân của mình nhưng không được tổn hại đến danh dự, uy tín cũng như lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức.
Thay vì lên "bóc phốt" công ty cũ trên mạng xã hội, người lao động có thể thông báo hành vi vi phạm pháp luật, hành vi có dấu hiệu tội phạm của cá nhân, tổ chức đến cơ quan có thẩm quyền. Mỗi cá nhân cần hiểu và áp dụng luật pháp để bảo vệ quyền lợi của mình, tránh gây tổn hại cho tổ chức, doanh nghiệp mà bản thân đã từng làm việc.
Riêng các hành vi "bóc phốt" công ty cũ trên mạng xã hội nếu có dấu hiệu vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội tùy thuộc vào mức độ vi phạm của từng trường hợp mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:
Căn cứ điểm a khoản 1 điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP: "Các hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng".
Ngoài ra, căn cứ điểm e khoản 2 điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội làm nhục người khác thì nếu sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử "bóc phốt" mà xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Đồng thời, căn cứ điểm e khoản 2 điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015, sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử "bóc phốt" sai sự thật nhằm bôi nhọ danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức thì người "bóc phốt" sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống, có thể bị phạt tù từ 1 đến 3 năm.
Ngoài ra, tùy tính chất hành vi, hậu quả, mức độ… mà cũng có thể bị khởi tố về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331.
Link: https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/hau-qua-it-nguoi-biet-khi-boc-phot-cong-ty-cu-tren-mang-xa-hoi-20231103112946437.htm
LS TRẦN MINH HÙNG TRÊN TRUYỀN HÌNH CÔNG AN ANTV