Bảo đảm quyền bào chữa của Bị can, Bị cáo tại phiên tòa hình sự sơ thẩm
Quyền bào chữa là một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự ( TTHS) Việt Nam. Việc thực hiện tốt các nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng xác định được sự thật khách quan của vụ án, giúp hoạt động tố tụng được tiến hành đúng trình tự, đảm bảo việc xét xử công minh, kịp thời, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.
Trong TTHS, giai đoạn xét xử được coi là giai đoạn trung tâm, nơi mà mọi tình tiết của vụ án được đưa ra đánh giá, xem xét một cách toàn diện và trên cơ sở kết quả tranh tụng giữa luật sư bào chữa và đại diện viện kiểm soát giữ quyền công tố tại phiên tòa, tòa án ra bản án, quyết định tuyên 1 người có tội hay không.
Giai đoạn xét xử sơ thẩm là giai đoạn quan trong trong thủ tục tố tụng tại tòa án. Đối với vụ án hình sự tại phiên tòa sơ thẩm , viện kiểm sát là cơ quan giữ quyền công tố sẽ thực hiện việc buộc tội bị cáo, hội đồng xét xử dựa trên chưng cứ đã được điều tả tiến hành quá trình xét hỏi,tranh luận tại phiên tòa để đưa ra bản án, quyết định cuối cùng, còn luật sư bào chữa cho bị cáo sẽ được thực hiện việc tranh luận đối với cáo buộc của VKS cũng như với phía bị hại.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp thì hiện nay dù 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập được đoàn luật sư với gần 9.500 luật sư nhưng chỉ có 20% các vụ án hình sự trong cả nước có luật sư tham gia. Đây là một con số rất hạn chế, thể hiện sự bất cập trong việc thực hiện quyền bào chữa của bị can, bị cáo. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân:
Trước tiên là hoạt động cấp giấy chứng nhận bào chữa của cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định tại Điều 56, Đ 57 của bộ luật TTHS và điều 27 Bộ luật Luật sư. Khoản 4 Đ 56 Bộ luật TTHS quy định : “ Trong thời hạn 3 ngày , kể từ ngày nhận được đề nghi của người bào chữa , cơ quan điều tra, viện kiếm sát, tòa án phải xem xét cấp GCNBC để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do. Đối với trường hợp tạm giữ người thì trong thời hạn 24h , kể từ khi nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa. Nếu từ chối cấp GCN thì phải nêu rõ lý do. Quy định là như vậy nhưng việc thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, phiền hà cho luật sư bào chữa bởi các thủ tục giao và nhận GCNBC được thực hiện không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
Ngoài ra Luật Luật sư cũng quy định là GCNBC có giá trị trong giai đoạn tố tụng , tuy nhiên hiện nay nhiều nơi , khi kết thúc giai đoạn tố tụng , hồ sơ vụ án chuyển sang cơ quan tiến hành tố tụng khác thì luật sư lại phải làm thủ tục xin cấp GCNBC
Thứ hai là việc luât sư tiếp xúc với thân chủ của mình.
Điểm a, b và e khoản 2 Điều 58 Bộ luật TTHS quy định “Luật sư có quyền có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu Điều tra viên đồng ý thì được hỏi người bị tạm giữ, bị can và có mặt trong những hoạt động điều tra khác; xem các biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình và các quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa.
Đề nghị Cơ quan điều tra báo trước về thời gian và địa điểm hỏi cung bị can để có mặt khi hỏi cung bị can. Gặp người bị tạm giữ; gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam”
Thông tư 70/2011/TT- BCA cũng quy định: “ Điều tra viên phải giao các quyết định tố tụng liên quan đến người được bào chữa cho người bào chữa và thông báo cách thức liên lạc của Cơ quan điều tra, Điều tra viên với họ khi cần thông báo về thời gian, địa điểm lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can. Cơ quan điều tra phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa, nếu từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa thì phải có văn bản, trong đó nêu rõ lý do từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa”
Quy định như vậy nhưng trên thực tế, việc luật sư được gặp bị can đang bị tam giam còn gặp nhiều khó khăn, nhiều trường hợp bị từ chối do điều tra viên đi vắng mặt hoặc thông báo thời gian quá gấp khiến luật sư không thể thu xếp được.
Thứ 3, Điều 64, 65 và 66 Bộ luật TTHS chỉ quy định về quyền điều tra, thu thập và đánh giá chứng cứ thuộc về cơ quan tố tụng mà không quy định quyền này của các luật sư cũng không đề cập đến cơ quan nhà nước tiến hành tố tụng cung cấp chứng cứ theo yêu cầu của luật sư. Trong nhiều trường hợp, cơ quan điều tra đã không mời luật sư tham gia hoạt động khám nghiệm hiện trường, thực nghiệm điều tra.
Thứ 4, một trong những hoạt động quan trong nhất tại phiên tòa là hoạt động tranh luận giữa luật sư và kiểm sát viên. Bộ luật TTHS có nhiều quy định đảm bảo cho việc buộc tội và gỡ tội được tranh tụng bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ dù TTHS Việt Nam không phải là kiểu tố tụng tranh tụng. Điều 210 Bộ luật TTHS cho phép các bên buộc tội và gỡ tội có quyền bình đẳng đưa ra các chứng cứ, tài liệu trước tòa. Điều 218 của BLTTHS quy định rõ nguyên tắc tranh tụng ở việc quy định thủ tục đối đáp, trong đó có việc bị cáo có quyền trình bày ý kiến của bản luận tội và đưa ra đề nghị của mình. Điều luật cũng bắt buộc viện kiếm sát phải đưa ra lập luận với từng ý kiến. Đây là trách nhiệm của bên buộc tội tại phiên tòa, phải tranh luận toàn diện, đầy đủ, bình đẳng với bên gỡ tội, không được tránh hoặc trả lời một cách áp đặt và thiếu trách nhiệm kiểu như “ giữ nguyên quan điểm truy tố” mà không đưa ra lập luận để bảo vệ quan điểm ý kiến của mình. Tuy nhiên trên thực tế tại nhiều phiên tòa, việc tranh luận còn nhiều hạn chế, có trường hợp khi đối đáp, viện kiểm sát chỉ cho rằng tranh luận của luật sư là không có căn cứ nên đề nghị hội đồng xét xử không chấp nhận.
Những bất cập nói trên ảnh hưởng tiêu cực đến quyền bào chữa của người bị tạm giam, tạm giữ, bị can, bị cáo. Vì vậy phải bổ sung các quy định trong Bộ luật TTHS là vô cùng cần thiết và phù hợp với chiến lược cải cách tư pháp chiến lược phát triển nghề luật sư, trong đó cải cách tư pháp hình sự đang là một trong những nội dung quan trọng của cải cách tư pháp nhằm mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Sau hơn 15 năm thi hành luật TTHS đã bộc lộ nhiều hạn chế và thiếu sót của các quy định liên quan đến chuyện bào chữa trong xử sơ thẩm hình sự, do vậy cần được sửa đổi và bổ sung theo hướng:
Bỏ thủ tục xin cấp giấy chứng nhận bào chữa
Quyền bào chữa là một quyền đã được hiến pháp Việt Nam ghi nhận, chủ thể thực hiện quyền gồm có người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và luật sư. Luật sư muốn tham gia bào chữa phải được cơ quan tiến hành tố tụng cấp GCNBC là vô lý, vì đã là quyền thì không thể bị lệ thuộc vào sự đồng ý của chủ thể khác.
Không được giới hạn số lần gặp cũng như thời gian gặp của luật sư với người bị tạm giam, bị can , bị cáo
Đây là một trong những cản trở lớn nhất trong giai đoạn điều tra, khi luật sư bào chữa không được tiếp xúc riêng tư để trao đổi với thân chủ hay bị hạn chế số lần gặp và thời gian gặp. Bộ luật TTHS cần sửa đổi bổ sung theo hướng: Cơ quan điều tra không được gây ra bất kì trở ngại nào trong việc gặp gỡ và tiếp xúc với thân chủ trong trại giam và không được giới hạn số lần gặp cũng như thời gian gặp của Luật sư với người bị tạm giam bị can, bị cáo.
Hoàn thiện quy định về chứng cứ tại khoản 1 Điều 64 Bộ luật TTHS
Bộ luật TTHS quy định về quyền được đưa ra chứng cứ của bị can, bị cáo thể hiện sự bất bình đẳng giữa bên gỡ tội và bên buộc tội và hạn chế quyền được chứng minh vô tội của người bị buộc tội. Các điều 48,49,50,58 quy định về quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bào chữa cho thấy luật chỉ cho phép người này đưa ra , thu thập tài liệu đồ vật mà không khẳng định những đồ vật, tài liệu này có phải là chứng cứ hay không? Việc không khẳng định và không cho phép bị can, bị cáo đưa ra chứng cứ do bị hạn chế bới Điều 64 Bộ luật TTHS về chứng cứ.
Theo đó : “ Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án”. Như vậy việc thu thập chứng cứ, quyền được thu thập chứng cứ và đánh giá một tài liệu, một đò vật nào đó có phải là chứng cứ hay không phụ thuộc vào ý chí của bên buộc tội gồm cơ quan điều tra, VKS, tòa án. Việc xếp tòa án vào bên buộc tội chứ không phải chứ không phải bên trọng tài với chức năng đánh giá một tài liệu do các bên buộc tội và gỡ tội đưa ra có phải là chứng cứ hay không sẽ dẫn đến tình trạng thiếu khách quan trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ của cơ quan tiến hành tố tụng khi vì lý do nào đó mà họ bỏ qua, không ghi nhận và xem xét những tài liệu và đồ vật mà người bị buộc tội và người bào chữa cung cấp.
Mặt khác, luật cho phép luật sư bào chữa được thu thập chứng cứ nhưng thiếu hẳn cơ chế, thủ tục để họ thực hiện quyền này. Vấn đề đặt ra ở đây là bên gỡ tội có bị giàng buộc buộc bởi tính hợp pháp của chứng cứ hay không? Để đảm bảo quyền bào chữa, cần quy định tính hợp pháp của chứng cứ có giá trị giằng buộc đối với bên buộc tội với tư cách đại diện cho Nhà nước mà không giằng buộc với bên gỡ tội. Bị can, bị cáo và luật sư có thể sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để thu thập chứng cứ, tài liệu. Những vật này vẫn được coi là chứng cứ nếu có giá trị chứng minh, đặc biệt là có giá trị chứng minh cho sự vô tội của bị can, bị cáo. Do đó cần sửa đổi về chứng cứ như sau: Chứng cứ là những gì có thật, do các bên buộc tội và gỡ tội đưa ra có giá trị chứng minh có hay không phạm tội, người phạm tội và các vấn đề khác của vụ án hình sự.
Bỏ quy định xử vắng mặt bị cáo tại khoản 2 Điều 187 Bộ luật TTHS
Tòa án chỉ có thể xử vắng mặt bị cáo trong những trường hợp sau đây:
a) Bị cáo trốn tránh và việc truy nã không có kết quả;
b) Bị cáo đang ởnước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa;
c) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không trở ngại cho việc xét xử và họ đã được giao giấy triệu tập hợp lệ.
Quy định này là chưa hợp lý, bởi lẽ bị cáo là người bị buộc tội và lời khai của bị cáo đề cập đến những vấn đề phải chứng minh trong vụ án, cũng như các tình tiết khác cần cho việc giải quyết đúng đắn vụ án, cho nên đây là nguồn chứng cứ quan trọng giúp các cơ quan tiến hành tố tụng làm sáng tỏ vụ án. Do vậy, sự vắng mặt của bị cáo đương nhiên gây cản trở cho việc xét xử. Mặt khác nếu xét xử vắng mặt bị cáo đồng nghĩa với việc tước đi quyền tự bào chữa của họ trong trường hợp bị cáo tự bà chữa mà không nhờ tới sự bào chữa của luật sư.
Bỏ quy định “ Nếu người bào chữa vắng mặt tòa án vẫn mở phiên tòa xét xử” tại Điều 190 Bộ luật TTHS
Điều 190 Bộ luật TTHS quy định về sụ có mặt của người bào chữa như sau : “Người bào chữa có nghĩa vụ tham gia phiên tòa. Người bào chữa có thể gửi trước bản bào chữa cho Tòa án. Nếu người bào chữa vắng mặt Tòa án vẫn mở phiên tòa xét xử.
Trong trường hợp bắt buộc phải có luật sư bào chữa theo quy định tại khoản 2 Điều 57 của Bộ luật này mà người bào chữa vắng mặt, thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa”.
Quy định như vậy là không hợp lý, vì bản án của tòa án là kết quả của việc xem xét đầy đủ, khách quan và toàn diện các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, những chứng cứ và tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa cũng như kết quả tranh luận giữa luật sư và kiểm sát viên. Nếu xét xử mà không có người bào chữa thì bị cáo sẽ mất chỗ dựa, không thể tự mình tranh luận với kiểm sát viên cũng như chứng minh sự vô tội hay giảm nhẹ trách nhiệm của mình. Do đó cần phải quy định rõ sự có mặt của luật sư bào chữa là bắt buộc, nếu luật sư vắng mặt thì hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa.
Quy định nguyên tắc tranh tụng và hoàn thiện quy định về đối đáp tại Điều 218 Bộ luật TTHS
Bộ luật TTHS được xây dựng trên nền tảng mô hình tố tụng thẩm vấn, tuy chưa quy định tranh tụng là một nguyên tắc, nhưng tinh thần của nguyên tắc này đã được thể hiện trong nhiều quy định của Bộ luật. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới” đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố tranh tụng và nâng cao chất lượng tranh tụng. Đến Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” cũng nhấn mạnh vấn đề này. Do đó, cần đưa tranh tụng thành một nguyên tắc cơ bản trong Bộ luật TTHS, đồng thời làm tư tưởng chủ đạo để sửa đôi,bổ sung các thủ tục, quy định tương ứng trong Bộ luật, nhất là các thủ tục tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự phù hợp với Điều 103 Hiến pháp 2013 “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”.
Nguyên tắc tranh tụng được quy định sẽ giúp quá trình tố tụng diễn ra dân chủ hơn, các quyền con người của cá nhân người phạm tội được bảo đảm; việc buộc tội, gỡ tội rõ ràng, minh bạch. Nguyên tắc này đòi hỏi chức năng buộc tội, chức năng gỡ tội và chức năng xét xử phải có sự phân định rạch ròi; góp phần hỗ trợ thực hiện quyền bào chữa.
Đồng thời với việc quy định nguyên tắc tranh tụng, cần hoàn thiện quy định về đối đáp đối đáp tại Điều 218 Bộ luật TTHS. Đoạn thứ 3 của điều 218 của Bộ luật TTHS quy định: “ chủ tọa phiên tòa có quyền đề nghị kiểm sát viên phải đáp lại những ý kiến có liên quan đến vụ án của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác mà những ý kiến đó chưa được kiểm sát viên tranh luận”. Quy định này chưa đáp ứng nguyên tắc tranh tụng trong TTHS cũng như chưa quán triệt Nghị quyết số 08-NQ/TW và nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ chính trị, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố tranh tụng và nâng cao chất lượng tranh tụng. Do vậy, cần sửa đổi đoạn thứ ba của Điều 218 thành: “ Hội đồng xét xử có quyền yêu cầu kiểm sát vên và những người tham gia tố tụng phải đối đáp, tranh luận về tất cả các vấn đề mà tòa án phải xem xét và giải quyết trong bản án”.
Nguồn tạp chí luật sư số 8/2015
Luật sư GS.TS. Đỗ Ngọc Quang
Tamnhin.net.vn Trong BLTTHS này có quy định về quyền bào chữa của luật sư tham gia tố tụng, nhưng quyền của luật sư thực hiện nhiệm vụ bào chữa cũng rất hạn chế.
1. Trước năm 1988, nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa có Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) mà chỉ có một vài văn bản quy phạm pháp luật quy định về luật sư. Do vậy, việc luật sư thực hiện nhiệm vụ bào chữa trong tố tụng hình sự rất mang tính hình thức. Mặt khác, tại Việt Nam không có Trường Luật để đào tạo Cử nhân Luật. Những Luật sư làm việc trong thời gian này chủ yếu được đào tạo tại Trường Luật của chế độ Việt Nam Cộng hòa trước đây. BLTTHS đầu tiên được Quốc hội thông qua năm 1988.
Trong BLTTHS này có quy định về quyền bào chữa của luật sư tham gia tố tụng, nhưng quyền của luật sư thực hiện nhiệm vụ bào chữa cũng rất hạn chế. Do vậy, tố tụng hình sự Việt Nam đã bộc lộ nhiều tồn tại liên quan đến bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội; hoạt động tố tụng vi phạm các quyền tự do, dân chủ của công dân. Điều này đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải sửa đổi, bổ sung BLTTHS năm 1988.
BLTTHS 2003 được Quốc hội thông qua thay thế BLTTHS 1988. Trong quá trình thực thi BLTTHS 2003 đến 2015 cũng đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế liên quan đến quyền của Luật sư thực hiện nhiệm vụ bào chữa; hoạt động của Luật sư bị cản trở xảy ra nhiều tại giai đoạn điều tra, truy tố (như không cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho Luật sự; không thông báo cho Luật sư thời gian, địa điểm hỏi cung bị can; không cho luật sư có mặt trong một số hoạt động điều tra; xúi giục bị can từ chối luật sư bào chữa; không thừa nhận những tài liệu, đồ vật mà Luật sư giao nộp cho Cơ quan điều tra, truy tố là chứng cứ; không cho gặp bị can đang bị tạm giam v.v…).
Vì vậy, những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân, quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia tố tụng hình sự bị bó hẹp; tình trạng gây oan, sai trong điều tra, bắt, giam, giữ, truy tố, xét xử vẫn tiếp tục diễn ra ngày một nghiêm trọng.
Hiến pháp năm 2013 của Nhà nước Việt Nam đặt ra yêu cầu phải tôn trọng và bảo vệ các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Điều này đặt ra sự cần thiết phải cải cách mạnh mẽ thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, chặt chẽ nhưng thuận tiện; đảm bảo chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, lấy kết quả tranh tụng tại tòa làm căn cứ quan trọng để phán quyết bản án, coi đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp. Điều này đặt ra sự cấp bách phải có BLTTHS mới thay thế BLTTHS 2003. Do vậy năm 2015, Quốc hội Việt Nam đã thông qua BLTTHS mới và có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016.
Tuy nhiên, việc bổ sung, sửa đổi Bộ luật hình sự (BLHS) chưa hoàn thành nên đến thời điểm hiện nay (tháng 12/2016), BLTTHS 2015 tạm thời chưa có hiệu lực thực thi trong thực tế hoạt động tố tụng hình sự. Dự kiến 1/7/2017, BLTTHS 2015 sẽ có hiệu lực và bắt đầu thực thi trong hoạt động tố tụng hình sự. 2. So sánh với BLTTHS 2003, BLTTHS 2015 đã đưa vào những nội dung mới, thể hiện sự tiến bộ bằng những nội dung mới sau đây:
Thứ nhất, lần đầu tiên, nguyên tắc tranh tụng được đưa vào BLTTHS như là sự thừa nhận rằng, tố tụng hình sự Việt Nam hướng đến nền tố tụng công bằng giữa bên buộc tội với bên bị buộc tội. Điều 26 BLTTHS 2015 (nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm) quy định:
Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên bị buộc tội thể hiện ở chỗ: - Các bên đều có quyền đưa ra chứng cứ, kiểm tra tính xác thực, liên quan, hợp pháp của chứng cứ cũng như đánh giá về giá trị chứng minh của từng chứng cứ cũng như toàn bộ chứng cứ ngay tại phiên tòa xét xử. - Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ ngay tại phiên tòa xét xử.
Tại phiên toàn, để Hội đồng xét xử xem xét một cách khách quan những chứng cứ vụ án, phải có mặt kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, đương sự, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, điều tra viên và những người khác. Sự có mặt của những người này là bắt buộc. Đặc biệt, Trong quá trình xét xử, khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể triệu tập Điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án. Đây là điều mà từ trước đến nay chưa từng xảy ra, chưa từng có trong các BLTTHS trước đó.
Để tranh tụng được bảo đảm tại phiên tòa xét xử, Điều 26 BLTTHS quy định, Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước Tòa án. Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Có thể nói, nguyên tắc tranh tụng đầu tiên đưa vào BLTTHS 2015 đã được thể chế hóa rất cụ thể trong các quy định liên quan đến quá trình xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự tại các điều từ Điều 250 đến Điều 362 BLTTHS.
Thứ hai, nguyên tắc suy đoán vô tội lần đầu tiên được ghi nhận chính thức trong BLTTHS 2015. Trong các BLTTHS trước đây đã có quy định một phần nội dung của nguyên tắc này, nhưng không được thừa nhận là nguyên tắc suy đoán vô tội. Ví dụ, tại Điều 9 BLTTHS 2003 có quy định: Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Quy định như vậy không chỉ là chưa đầy đủ về suy đoán vô tội, mà còn dễ dẫn đến suy luận hiểu sai theo hướng, người bị buộc tội phải chứng minh là mình vô tội, nếu không chứng minh được sự vô tội của mình có nghĩa là có tội. Nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại Điều 13 BLTTHS 2015: Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội. Nội dung của nguyên tắc này tập trung vào việc: - Người bị buộc tội chỉ được coi là có tội khi đã được đưa ra xét xử theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. - Người bị buộc tội không buộc phải chứng minh là mình có tội hay không có tội vì trách nhiệm chứng minh người bị buộc tội thuộc về các cơ quan và những người có thẩm quyền tố tụng hình sự.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc người bị buộc tội có quyền: Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Do người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định, nên:
Trước phiên tòa cũng như trong phiên tòa xét xử, bên buộc tội và bên bị buộc tội đều có quyền bình đẳng trong hoạt động chứng minh. Sự ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội BLTTHS 2015 được coi là sự tiến bộ của tố tụng hình sự Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế khi nhiều nước trên thế giới thừa nhận nguyên tắc này là nguyên tắc của nền văn minh pháp lý hiện đại trong bảo vệ quyền con người.
Thứ ba, BLTTHS 2015 quy định cụ thể sự tham gia tố tụng của người bào chữa và xóa bỏ những cản trở đã từng xảy ra khi thực thi BLTTHS 2003. BLTTHS 2015 đã dành một chương riêng (Chương V) quy định về người bào chữa, người bảo vệ lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Đây có thể coi là những nội dung gần như hoàn toàn mới, tiến bộ, phản ánh tố tụng hình sự Việt Nam thực hiện đúng chân lý bất di bất dịch của loài người đã được ghi nhận hàng nghìn năm nay trong tư pháp hình sự: Ở đâu có sự buộc tội thì ở đó có sự gỡ tội.
Lần đầu tiên khái niệm người bào chữa được ghi nhận trong BLTTHS. Điều 72 BLTTHS quy định: Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa. Đồng thời, BLTTHS không bó hẹp sự tham gia của người bào chữa trong vụ án hình sự.
Một người bào chữa có thể bào chữa cho nhiều người bị buộc tội trong cùng vụ án nếu quyền và lợi ích của họ không đối lập nhau; và nhiều người bào chữa có thể bào chữa cho một người bị buộc tội. Thời điểm Luật sư bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can.
Trường hợp bắt, tạm giữ người thì Luật sự bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra. Mặt khác, BLTTHS 2015 quy định mở rộng hơn diện người được chỉ định bào chữa, không chỉ là bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình, mà còn là các bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình (Điều 76 BLTTHS).
Theo quy định của BLTTHS năm 2003, để được tham gia bào chữa trong vụ án, Luật sư bào chữa phải được cấp Giấy chứng nhận người bào chữa. Mỗi giai đoạn tố tụng hình sự (điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm), mỗi cơ quan tiến hành tố tụng cấp Giấy chứng nhận người bào chữa riêng. Điều này gây nên những trở ngại cho người bào chữa tham gia tố tụng, nhất là đối với trường hợp bị can đang bị tạm giam. Cơ quan điều tra thường tạo nên những cản trở cho hoạt động bào chữa.
Khắc phục tình trạng này, BLTTHS 2015 bỏ quy định cấp Giấy chứng nhận người bào chữa, thay vào đó là thủ tục đăng ký bào chữa. - Khi đăng ký bào chữa, người bào chữa phải xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy yêu cầu luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội;
- Trong thời gian 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và thấy đủ điều kiện luật định thì vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ và lưu giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa vào hồ sơ vụ án. - Văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng, trừ trường hợp người bị buộc tội từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa; hoặc người đại diện hoặc người thân thích của người bị buộc tội từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa (Điều 78 BLTTHS).
Để người bào chữa thực hiện nhiệm vụ bào chữa cho người bị buộc tội, Điều 73 BLTTHS quy định rộng hơn quyền của người bào chữa so với BLTTHS 2003 như: - Người bào chữa được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác;
- Có quyền thu thập chứng cứ; kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; - Có mặt trong hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và hoạt động điều tra khác;
- Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản; đề nghị thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra v.v…. BLTTHS 2003 không quy định người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. BLTTHS 2015 đã bổ sung nội dung này bằng quy định người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có thể là: Luật sư. Trong trường hợp này, Luật sư có quyền: - Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; - Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; - Có mặt khi lấy lời khai người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; - Có mặt khi đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; - Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Điều 83 BLTTHS).
Thứ tư, việc lấy lời khai những người tham gia tố tụng và hỏi cung bị can cũng có những nội dung mới như sau: Việc hỏi cung bị can do Điều tra viên tiến hành ngày sau khi có quyết định khởi tố bị can. Trước khi hỏi cung bị can, Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên và người bào chữa thời gian, địa điểm hỏi cung. Trước khi tiến hành hỏi cung lần đầu, Điều tra viên phải giải thích cho bị can biết rõ quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 60 của Bộ luật này. Việc này phải ghi vào biên bản. Mỗi lần hỏi cung bị can đều phải lập biên bản.
Nghiêm cấm Điều tra viên, Cán bộ điều tra tự mình thêm, bớt hoặc sửa chữa lời khai của bị can. BLTTHS quy định việc hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, lấy lời khai người bị hại, đương sự, đối chất có thể hoặc phải được ghi âm, ghi hình có âm thanh. Việc ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can, lấy lời khai, đối chất không được quy định trong BLTTHS 2003.
Trong thực thế đã có một số vụ án hình sự, bị can ra trước phiên tòa khai bị những người có thẩm quyền tố tụng dùng nhục hình, bị mớm cung, bức cung, dụ cung buộc họ phải khai sai sự thật. Để tránh xảy ra những trường hợp này, BLTTHS 2015 quy định: Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Điều 183 BLTTHS). Ngoài ra, việc lấy lời khai của người làm chứng, lấy lời khai của bị hại, đương sự (nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự), đối chất có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh (các điều 187, 188, 189 BLTTHS), tùy theo từng trường hợp cụ thể. Việc sử dụng (nghe, xem) nội dung được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, Điều 313 BLTTHS 2015 quy định: Trường hợp cần kiểm tra chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án hoặc khi bị tố cáo, bị bức cung, dùng nhục hình
Hội đồng xét xử quyết định việc cho nghe, xem nội dung được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh liên quan tại phiên tòa. Nghị quyết số 110/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội giao Bộ trường Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trường Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Nội vụ xây dựng đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Chậm nhất đến ngày 01/01/2019 thì thực hiện thống nhất việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc.
Thứ năm, những quy định mới về xét xử vụ án có liên quan đến luật sư bào chữa. Luật sư bào chữa phải có mặt tại phiên tòa để bào chữa cho người mà mình đã nhận bào chữa. Người bào chữa có thể gửi trước bản bảo chữa cho Tòa án. Trường hợp người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa.
Nếu người bào chữa vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan hoặc được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án vẫn mở phiên tòa xét xử. Trường hợp chỉ định người bào chữa quy định tại khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này mà người bào chữa vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa.
Tại phiên tòa, Luật sư bào chữa có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận của mình để đối đáp với Kiểm sát viên về những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ án; những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, mức hình phạt; trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp; nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án. Luật sư bào chữa có quyền đưa ra đề nghị của mình liên quan đến việc giải quyết vụ án. Kiểm sát viên phải đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận để đối đáp đến cùng từng ý kiến của người bào chữa.
Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận, phải tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, Luật sư bào chữa tranh luận, trình bày hết ý kiến nhưng có quyền cắt những ý kiêns không liên quan đến vụ án và ý kiến lặp lại.
Chủ tọa phiên tòa yêu cầu Kiểm sát viên phải đáp lại những ý kiến của Luật sư bào chữa mà những ý kiến đó chưa được Kiểm sát viên tranh luận. Hội đồng xét xử phải lắng nghe, ghi nhận đầy đủ ý kiến của Kiểm sát viên, luật sư bào chữa tranh luận tại phiên tòa để đánh giá khách quan, toàn diện sự thật của vụ án.
Trường hợp không chấp nhận ý kiến của Luật sư bào chữa tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử phải nêu rõ lý do và được ghi trong bản án. Trên đây là những nội dung mới trong BLTTHS 2015 về quyền của Luật sư bào chữa.
Nguồn: Báo Điện Tử Tầm Nhìn.net.vn |