Báo cáo của Liên đoàn LS Việt Nam cho thấy, sự tham gia của LS trong các vụ án hình sự đã có sự tăng trưởng, bước đầu hình thành cơ chế phán quyết của TA phải xuất phát từ kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Trong 5 năm (2007-2011), LS đã tham gia hơn 64.000 trong tổng số gần 300.000 vụ án hình sự (chiếm 21,44%). Đại diện một số TAND tham dự Hội nghị cũng chỉ ra những vướng mắc trong qui định pháp luật, sự hạn chế của đội ngũ cán bộ ngành TA… ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa TA-LS.
Tuy nhiên, ý kiến của nhiều LS cho rằng, "thực trạng bảo đảm quyền bào chữa của LS trong giai đoạn xét xử tại TA còn một số bất cập, vướng mắc và khó khăn, hạn chế không chỉ đến việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, quyền hành nghề của LS, mà còn ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án, khả năng tiếp cận công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người trong hoạt động tư pháp”. Do đó, cần sửa đổi bổ sung các qui định về quyền bào chữa của LS trong Bộ Luật tố tụng hình sự 2003 để tăng cường trách nhiệm của cả TA và LS trong việc "nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa”. Đồng thời bảo đảm quyền bào chữa của LS, đưa đội ngũ LS thực sự là chỗ dựa pháp lý cho công dân trong việc bảo vệ công lý, pháp luật và quyền con người.
LS.Nguyễn Cẩm (ĐLS TP.Hải Phòng) nêu thực tế, hiện một số Thẩm phán vẫn cho rằng LS là "bức tranh phiên tòa”. Chính vì vậy, LS vẫn chưa được phát huy hết vai trò của mình trong tranh luận.
Ở góc độ khác, TS.LS Phan Trung Hoài, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư Liên đoàn LS cho rằng, khó khăn đầu tiên mà các luật sư thường gặp phải ngay trong giai đoạn đầu tiên tham gia xét xử là thủ tục cấp Giấy chứng nhận người bào chữa (GCNNBC). Bởi, Tòa án thường yêu cầu đích thân bị cáo phải có đơn yêu cầu nhờ luật sư mà không chấp nhận việc người thân thích của những người nói trên nhờ luật sư. Theo đó, trở ngại chính của việc này là để có ý kiến yêu cầu và chữ ký của bị cáo, LS phải có giấy tờ thủ tục do Tòa án cấp thì mới vào Trại tạm giam được.
Hơn thế, Luật sư không được TA thông báo về quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, thậm chí có trường hợp quyết định nói trên còn đóng dấu "mật” (Ví dụ trong vụ án Nguyễn Gia Thiều xảy ra tại công ty Đông Nam xét xử năm 2005, thẩm phán được phân công thụ lý vụ án ban hành quyết định trả lại hồ sơ điều tra bổ sung nhưng đóng dấu mật và không thông báo cho LS biết).
Trong khi đó, vấn đề tiếp xúc bị cáo tại phiên tòa hiện đang là một vấn đề gây cản trở cho việc bảo đảm quyền được bào chữa của bị cáo và việc thực hiện quyền người bào chữa. Lý giải cho vấn đề này, TS.LS Phan Trung Hoài cho biết, vướng mắc này nằm ở chỗ, người bào chữa quan niệm việc gặp bị cáo tại phiên tòa như quy định của điều luật là quyền đương nhiên, trong khi cán bộ dẫn giải cho rằng việc giám sát bị cáo là trách nhiệm của họ, nếu người bào chữa có yêu cầu thì phải được chủ tọa cho phép. Do đó, LS Hoài đề nghị: Bổ sung nguyên tắc tranh tụng như là một trong những nguyên tắc cơ bản của TTHS Việt Nam. Nên thu hẹp diện người bào chữa, chỉ có LS là người duy nhất có chức năng thực hiện quyền bào chữa. Có thể bãi bỏ thủ tục xét cấp, thu hồi giấy chứng nhận người bào chữa hoặc giấy này có giá trị trong toàn bộ các giai đoạn tố tụng. Cần thông báo cho bị cáo, người bào chữa biết về căn cứ và nội dung yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung. Cần quy định sự có mặt của người bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa giám đốc thẩm là bắt buộc.