1. Quan hệ giữa công ty bạn với các các đối tác thông qua hợp đồng:
Ngôn ngữ được sử dụng trong hợp đồng chỉ là phương thức để ghi nhận lại ý chí của các bên trong giao dịch. Hiện nay pháp luật không quy định bắt buộc các bên phải sử dụng tiếng Việt trong hợp đồng. Do đó, các bên quyền tự do thỏa thuận ngôn ngữ sử dụng trong soạn thảo và giao kết hợp đồng.
2. Quan hệ giữa công ty bạn và Cơ quan thuế:
Trong mối quan hệ này, pháp luật có quy định một cách minh thị về việc phải sử dụng tiếng Việt cho tất cả các giao dịch với cơ quan thuế.
THÔNG TƯ Số 156/2013/TT-BTC, ngày 06 tháng 11 năm 2013 HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT QUẢN LÝ THUẾ; LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT QUẢN LÝ THUẾ VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 83/2013/NĐ-CP NGÀY 22/7/2013 CỦA CHÍNH PHỦ
Điều 5. Văn bản giao dịch với cơ quan thuế
4. Ngôn ngữ được sử dụng trong hồ sơ thuế là tiếng Việt. Tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt. Người nộp thuế ký tên, đóng dấu trên bản dịch và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung bản dịch. Trường hợp tài liệu bằng tiếng nước ngoài có tổng độ dài hơn 20 trang giấy A4 thì người nộp thuế có văn bản giải trình và đề nghị chỉ cần dịch những nội dung, điều khoản có liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế.
Đối với hồ sơ Thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì tuỳ vào tính chất của từng loại hợp đồng và yêu cầu của cơ quan thuế (nếu có), người nộp thuế cần dịch những nội dung trong hợp đồng như: tên hợp đồng, tên các điều khoản trong hợp đồng, thời gian thực hiện hợp đồng hoặc thời gian thực tế chuyên gia của nhà thầu nước ngoài hiện diện tại Việt Nam (nếu có), trách nhiệm, cam kết của mỗi bên; các quy định về bảo mật và quyền sở hữu sản phẩm (nếu có), đối tượng có thẩm quyền ký kết hợp đồng, các nội dung có liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế và các nội dung tương tự (nếu có); đồng thời gửi kèm theo bản chụp hợp đồng có xác nhận của người nộp thuế.
Việc hợp pháp hóa lãnh sự đối với các giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp chỉ bắt buộc trong trường hợp cụ thể hướng dẫn tại Điều 16, Điều 20, Điều 44, Điều 54 Thông tư này.
Do đó, Luật hiện hành không bắt buộc khi giao dịch phải ký hợp đồng bằng tiếng Việt, nhưng Cơ quan thuế yêu cầu như vậy là đúng quy định.
Tuy nhiên, nếu số lượng hợp đồng phải dịch quá lớn thì công ty bạn cần làm văn bản giải trình và đề nghị chỉ cần dịch những nội dung, điều khoản có liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế.
Trân trọng.

Luật sư Trần Minh Hùng Trưởng văn phòng Luật sư Gia Đình |