Điều 159 BLTTDS quy định thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện yêu cầu tòa giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Như vậy, thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà đương sự được quyền yêu cầu cơ quan tòa án giải quyết vụ việc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Quy định về thời hiệu khởi kiện buộc các đương sự phải ý thức được việc bảo vệ quyền lợi của mình và sớm có yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tránh tình trạng khởi kiện tuỳ hứng.
Trong trường hợp pháp luật không có quy định khác về thời hiệu khởi kiện, thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm. Như vậy, để xác định đúng thời hiệu khởi kiện, phải xác định được quan hệ tranh chấp đó có được văn bản pháp luật nào khác quy định về thời hiệu khởi kiện hay không. Điều quan trọng thứ hai là phải xác định đúng ngày nào được coi là ngày có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm để bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện.
Theo Nghị quyết 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTDS 2005 tại tiểu mục 2.2 Mục 2 phần IV thì thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm và được xác định như sau:
1. Đối với nghĩa vụ dân sự mà các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định thời hạn thực hiện, nếu hết thời hạn đó mà bên có nghĩa vụ không thực hiện, thì ngày hết hạn thực hiện nghĩa vụ là ngày xảy ra vi phạm;
2. Đối với nghĩa vụ dân sự mà các bên không thỏa thuận hoặc pháp luật không quy định thời hạn thực hiện, nhưng theo quy định của pháp luật các bên có thể thực hiện nghĩa vụ hoặc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bất cứ lúc nào nhưng phải thông báo cho nhau biết trước trong một thời gian hợp lý, nếu hết thời hạn đã được thông báo đó bên có nghĩa vụ không thực hiện, thì ngày hết thời hạn đã được thông báo là ngày xảy ra vi phạm;
3. Trường hợp khi hết hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự, các bên có thỏa thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ đó, thì việc xác định ngày vi phạm căn cứ vào ngày chấm dứt thỏa thuận của các bên và được thực hiện như hướng dẫn tại điểm a1 và điểm a2 nói trên;
4. Trong quá trình thực hiện hợp đồng mà có vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng, thì ngày vi phạm nghĩa vụ là ngày xảy ra vi phạm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Nếu một bên đơn phương đình chỉ hợp đồng thì ngày đơn phương đình chỉ hợp đồng là ngày vi phạm.
5. Đối với trường hợp đòi bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm tài sản, sức khoẻ, tính mạng…, thì ngày xảy ra hành vi xâm phạm tài sản, sức khoẻ, tính mạng… là ngày vi phạm;
6. Trong một quan hệ pháp luật hoặc trong một giao dịch dân sự, nếu hành vi xâm phạm xảy ra ở nhiều thời điểm khác nhau, thì thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được tính kể từ thời điểm xảy ra hành vi xâm phạm cuối cùng;
7. Trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm a1,a2,a3,a4,a5 nói trên, nếu các bên có thỏa thuận khác về thời hiệu, thì thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được tính theo thỏa thuận của các bên.
Mặc dù Nghị quyết 01 nói trên hưóng dẫn cách xác định thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện rất cụ thể như vậy nhưng việc xác định trên thực tế không mấy dễ dàng. Đối với tranh chấp trong kinh doanh thương mại, cách xác định còn mang đặc thù riêng.
Đối với tranh chấp trong kinh doanh, thương mại thời hiệu khởi kiện không chỉ được quy định khác về thời gian mà còn khác cả về phương pháp tính. Lấy đơn cử, các tranh chấp trong lĩnh vực hàng hải được Bộ luật hàng hải quy định nhiều loại thời hiệu khởi kiện khác nhau cho từng quan hệ tranh chấp khác nhau. Đối với tranh chấp về hư hỏng, mất mát hàng hóa vận chuyển theo chứng từ vận chuyển là một năm, kể từ ngày trả hàng hoặc lẽ ra phải trả hàng cho người nhận hàng (Điều 97). Thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng vận chuyển theo chuyến là 2 năm, kể từ ngày người khiếu nại biết hoặc phải biết quyền lợi của mình bị xâm phạm (Điều 118). Thời hiệu khởi kiện đòi bồi thường tổn thất do hành khách chết, bị thương hoặc tổn hại khác về sức khoẻ và mất mát, hư hỏng hành lý là hai năm (Điều 137). Thời điểm để tính thời hiệu được quy định cụ thể trong từng trường hợp (trường hợp hành khách bị thương thì tính từ ngày hành khách rời tàu; trường hợp hành khách chết trong thời gian vận chuyển thì tính từ ngày lẽ ra hành khách rời tàu; trường hợp hành khách bị thương trong quá trình vận chuyển dẫn đến hậu quả hành khách đó chết sau khi rời tàu thì tính từ ngày người đó chết, nhưng không được quá 3 năm, kể từ ngày rời tàu; trường hợp mất mát, hư hỏng hành lý thì tính từ ngày hành khách rời tàu hoặc ngày lẽ ra hành khách rời tàu, tuỳ thuộc vào thời điểm nào muộn hơn). Nếu có việc tạm đình chỉ hoặc gián đoạn thời hiệu khởi kiện đòi bồi thường đối với trường hợp này thì thời hiệu khởi kiện cũng không được quá 3 năm kể từ ngày hành khách rời tàu hoặc ngày lẽ ra hành khách rời tàu, tuỳ thuộc vào thời điểm nào muộn hơn. Đối với vụ việc liên quan đến hợp đồng thuê tàu, thời hiệu khởi kiện là hai năm kể từ ngày chấm dứt hợp đồng. Thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng đại lý tàu biển, hợp đồng môi giới hàng hải, hợp đồng lai dắt tàu biển, hợp đồng bảo hiểm hàng hải là 2 năm kể từ ngày phát sinh tranh chấp (Điều 164, Điều 168, Điều 183, Điều 257). Thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng cứu hộ hàng hải là hai năm, kể từ ngày kết thúc hành động cứu hộ (Điều 195). Thời hiệu khởi kiện về tai nạn va đâm là 2 năm, kể từ ngày xảy ra tai nạn. Trong trường hợp bồi thường tính mạng, sức khỏe hoặc tổn hại khác về sức khỏe con người, các tàu có lỗi phải chịu trách nhiệm liên đới. Tàu đã bồi thường vượt quá trách nhiệm của mình có quyền đòi các tàu liên quan hoàn trả số tiền quá mức đó và thời hiệu khởi kịên về việc đòi hoàn trả là 1 năm, kể từ ngày trả tiền bồi thường (Điều 211). Thời hiệu khởi kiện về tổn thất chung là 2 năm, kể từ ngày xảy ra tổn thất chung. Thời gian tiến hành phân bổ tổn thất chung không tính vào thời hiệu khởi kiện về tổn thất chung ;
Quy định về thời thiệu thừa kế, Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: "Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế".
Theo quy định này, sau thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di sản chết), người thừa kế không còn quyền khởi kiện thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác.
Thời hiệu yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản (ảnh minh họa).
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 tại Điều 623 thì thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Như vậy, so với quy định của Bộ luật dân sự 2005 thì thời hiệu yêu cầu chia di sản đối với bất động sản được kéo dài hơn. Nếu như Bộ luật hiện hành thì thời hiệu yêu cầu chia di sản không phân biệt động sản hay bất động sản là 10 năm thì trong Bộ luật mới lần này đã phân chia thời hiệu yêu cầu chia di sản riêng với từng loại tài sản.
Điều này đã khắc phục được sự không phù hợp khi theo quy định tại Điều 247 Bộ luật dân sự 2005 thì thời hiệu xác lập quyền sở hữu đối với động sản là 10 năm, đối với bất động sản là 30 năm. Trong khi tại Điều 645 Bộ luật dân sự 2005 thì thời hiệu khởi kiện về thừa kế là 10 năm.
Với quy định đó, thì dù tư cách người thừa kế được thừa nhận, nhưng nếu không tiến hành chia di sản trong vòng 10 năm, thì đồng thừa kế sẽ mất quyền yêu cầu chia di sản. Trong trường hợp di sản được đặt dưới sự quản lý thực tế liên tục, công khai của một đồng thừa kế nào đó, thì việc đồng thừa kế khác mất quyền yêu cầu chia di sản cũng đồng nghĩa với việc người này mất luôn phần di sản được hưởng.
Về thời hiệu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác vẫn giữ nguyên là 10 năm. Tức là nếu quá thời hạn 10 năm thì không còn quyền yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác đồng thời với việc không còn quyền yêu cầu chia di sản thừa kế. Khi đã được công nhận tư cách thừa kế thì thì thời hiệu yêu cầu chia di sản đối với bất động sản là 30 năm kể từ thời điểm mở thừa kế.
Cụ thể việc giải quyết di sản khi hết thời hiệu
Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định rất rõ ràng phương án giải quyết hậu quả đối với những di sản thừa kế đã hết thời hiệu khởi kiện 30 năm hoặc 10 năm. Đó là: “Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
- Nếu người đang quản lý di sản là người thừa kế thì di sản thuộc quyền sở hữu của họ;
- Nếu người đang quản lý di sản không phải là người thừa kế thì phân thành 2 trường hợp:
- Nếu người đang quản lý di sản là người đang chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai và phù hợp pháp luật thì di sản thuộc quyền sở hữu của người người này;
- Trong trường hợp không có người chiếm hữu, người được lợi về tài sản thì di sản thuộc về Nhà nước.
Quy định trên vừa tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giải quyết các tranh chấp về di sản thừa kế, vừa nhằm khai thác triệt để công dụng của tài sản.
Trân trọng. |