Đối với câu hỏi của bạn, tôi xin trả lời như sau:
Cơ sở pháp lý: Luật hôn nhân và gia đình, Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23-12-2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số điều của Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 (xem thêm: Luật hôn nhân gia đình năm 2014)
1. Trình tự, thủ tục ly hôn:
Trong vụ án xin ly hôn cần có hòa giải cơ sở, nhưng không nhất thiết phải là hòa giải của UBND cấp xã. Đó có thể là hòa giải từ phía gia đình, hòa giải do tổ dân phố, hội phụ nữ, đoàn thanh niên tiến hành. Các tài liệu cần có trong hồ sơ khởi kiện xin ly hôn thường gồm:
- Đơn xin ly hôn
- Giấy đăng ký kết hôn
- Giấy xác nhận tình trạng chung sống của vợ chồng (mua mẫu của tòa về tự khai, thường tổ trưởng tổ dân phố ký xác nhận, UBND xác nhận chữ ký của tổ trưởng tổ dân phố)
- Bản sao chứng minh nhân dân (sao có chứng thực của UBND hoặc sao tại tòa)
- Bản sao sổ hộ khẩu
- Bản sao Giấy khai sinh của các con (nếu có con)
- Bản ý kiến của 2 bên bố mẹ, gia đình về việc xin ly hôn.
Trên đây là những giấy tờ tối thiểu để tòa án nhận đơn xin ly hôn. Do đó việc Tòa án yêu cầu bắt buộc phải có biên bản hòa giải không thành của UBND cấp xã mới nhận đơn là không đúng.
2. Điều kiện được nuôi con.
Với điều kiện bạn đưa ra để ông bà có quyền nuôi cháu là hoàn toàn không có căn cứ pháp lí. Tại khoản 2 Điều 92 quy định: "Vợ chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con, nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác".
Theo đó, tại điểm d phần 11 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23-12-2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số điều của Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 quy định cụ thể hơn: "Trong trường hợp, vợ chồng không thỏa thuận được về người trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi con căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của con, đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần. Nếu con đủ chín tuổi trở lên, thì trước khi quyết định, Tòa án phải hỏi ý kiến của người con đó về nguyện vọng được sống trực tiếp với ai. Về nguyên tắc, con dưới ba mươi sáu tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi con, nếu các bên không có thỏa thuận khác".
Khi giải quyết vụ án ly hôn có tranh chấp về con cái, Tòa án sẽ căn cứ vào độ tuổi của con, điều kiện của cha mẹ… để giao con cho cha hoặc mẹ nuôi. Chúng tôi đưa ra các quy định trên đây của pháp luật để bạn đọc đối chiếu đưa ra câu trả lời phù hợp.
Ý kiến thứ hai:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho chuyên mục của chúng tôi! Tôi xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:
Theo quy định tại Điều 86 thì: Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, cụ thể là theo Luật hòa giải cơ sở năm 2001. Cơ sở ở đây được hiểu là thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố, cụm dân cư khác như xã, phường, thị trấn. Theo quy định này, thì hòa giải ở cơ sở là giai đoạn không bắt buộc, có áp dụng thủ tục này không là theo sự thỏa thuận của các bên trong tranh chấp; bởi mục đích của hòa giải cơ sở được thực hiện nhằm giúp các bên tự giải quyết các mâu thuẫn, vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ; giữ gìn, củng cố tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân; phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp trong gia đình,…
Nếu các bên lựa chọn hòa giải ở cở mà khi hòa giải không thành, hoặc với những vụ ly hôn đơn giản, cần giải quyết nhanh chóng không nhất thiết phải qua hòa giải cơ sở, đương sự có quyền nộp đơn ly hôn trực tiếp cho Tòa án. Điều 88 Luật hôn nhân gia đình năm 2000 chỉ rõ: “Sau khi thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo thủ tục tố tụng dân sự”. Khác với hoạt động hòa giải ở cơ sở, hòa giải tại Tòa án là một thủ tục bắt buộc, kể cả khi hai bên thuận tình ly hôn. Trong trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành, các bên đồng ý ly hôn, tòa sẽ hòa giải để các bên thỏa thuận vấn đề nuôi con, cấp dưỡng nuôi con, chia tài sản, nợ chung… Theo quy định tại khoản 2 Điều 92 Luật hôn nhân và gia đình 2000 thì “Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác”.
Điều 86. Khuyến khích hoà giải ở cơ sở
Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hoà giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hoà giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hoà giải ở cơ sở.
Điều 88. Hoà giải tại Toà án
Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Toà án tiến hành hoà giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Theo hai quy định trên, thì hòa giải ở cấp cơ sở chỉ mang tính khuyến khích, mà không bắt buộc. Như vậy bạn có quyền nộp hồ sơ lên Tòa án yêu cầu giải quyết luôn mà không phải qua hòa giải ở cơ sở.
Tuy nhiên, theo điều 88 luật này thì tiến hành hòa giải ở Tòa án là thủ tục bắt buộc.
Về quyền nuôi con, nếu con bạn quá ba tuổi sẽ gây khó khăn cho bạn trong việc giải quyết tranh chấp quyền nuôi con. Tuy nhiên, Tòa án sẽ xem xét giải quyết hợp lý nhất để đảm bảo có lợi cho đứa trẻ.
Bên cạnh đó, không có quy định nào của pháp luật quy định nếu con bạn được ông bà nuôi trên 1 năm sẽ ưu tiên ở với ông bà nội, mà phải căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó có điều kiện kinh tế của bạn hiện tại, nơi ở,… Chúc bạn sớm giải quyết được vấn đề!