Luật Đất đai năm 2013, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Luật Tố tụng hành chính năm 2015 được ban hành đã tạo hành lang pháp lý để đảm bảo quyền tự do định đoạt, quyền khởi kiện cho các được sự trong việc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp đất đai; tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu quả hơn, khắc phục những nhược điểm về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai được quy định trong Luật Đất đai năm 2003. Trong đó, giải quyết tranh chấp đất đai theo trình tự tố tụng dân sự là việc giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án được thực hiện theo quy định chung của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền. Đối với tranh chấp về tài sản gắn liền với đất đai và tranh chấp về quyền sử dụng đất mà người sử dụng có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 hoặc không có một trong các giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 nhưng có yêu cầu Tòa án giải quyết thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân. Đây là phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến và lâu đời nhất. Hình thức giải quyết này thông qua cơ quan quyền lực công có chức năng xét xử để đưa ra một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật bắt buộc đối với các bên tham gia tranh chấp, là cơ sở để các cơ quan hành chính nhà nước về đất đai có những điều chỉnh phù hợp theo nội dung quyết định, bản án đã nêu. Ngoài ra, theo tổ chức bộ máy nhà nước thì Tòa án được tổ chức và có cơ chế hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật nên các phán quyết của Tòa án đảm bảo sự công bằng, khách quan.