ĐOÀN LUẬT SƯ TP.HCM
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ GIA ĐÌNH
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc
Trụ sở: 402A Nguyễn Văn Luông,
P.12, Quận 6, TP.HCM
Chi nhánh: 5/1 Nguyễn Du, Biên Hòa, Đồng Nai
Điện thoại: 028.38779958; Fax:
028.38779958
Trưởng Văn phòng: LS Trần Minh Hùng
www.luatsugiadinh.net.vn
|
BÀI BÀO CHỮA
CHO BỊ CÁO ĐOÀN ĐĂNG LUẬT
Tôi luật sư: Trần Minh Hùng, Văn phòng luật sư Gia
Đình – Đoàn luật sư TPHCM, bào chữa cho bị cáo Đoàn Đăng Luật bị Tòa án nhân
dân TPHCM xét xử về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước gây hậu quả
nghiêm trọng với mức hình phạt tới 11 năm tù giam.
I/. QUAN ĐIỂM BÀO CHỮA CỦA LUẬT SƯ ĐỐI VỚI NỘI DUNG VỤ
ÁN.
Bản án phúc thẩm xét xử Huyền Như không bị hủy phần
200 tỷ đồng của Navibank và cũng không ra quyết định khởi tố vụ án đối với hành
vi liên quan số tiền này, nhưng Cáo trạng lại truy tố các thành viên liên quan
đến số tiền 200 tỷ đồng là vi phạm nghiêm trọng tố tụng, do vi phạm nguyên tắc
“một hành vi chỉ được xét xử một lần”;
Không có cuộc họp Hội đồng Alco quyết định việc gửi tiền sang Vietinbank, không
biết về chủ trương của Hội đồng Alco, chưa bao giờ thực hiện bất kỳ chỉ đạo nào
của Hội đồng Alco cho nhân viên của Navibank vay tiền để đem gửi vào
Vietinbank; hành vi bị cáo Luật nhận tiền lãi suất chênh lệch là không trái
pháp luật.
Khi tham gia họp HĐTD các bị caó đã thực hiện đúng quy
trình, quy định; khi các bị can phê duyệt cấp tín dụng là phê duyệt cho nhân
viên vay gửi vào Vietinbank CN Nhà Bè, chứ không phải phê duyệt gửi vào
Vietinbank CN TP. Hồ Chí Minh, chỉ khi các nhân viên ký lại hợp đồng tiền gửi
chuyển tiền vào Vietinbank CN TP. Hồ Chí Minh mới bị mất tiền, việc mất tiền
không chịu trách nhiệm về hậu quả này; việc Navibank cho vay cầm cố tiền gửi
vào Vietinbank và việc vi phạm Thông tư 02/2011/TT-NHNN không phải là nguyên
nhân dẫn đến mất tiền, mà nguyên nhân mất tiền là do Vietinbank tự trích tiền từ
tài khoản này để thu nợ cho các khoản vay bất hợp pháp của Huỳnh Thị Huyền Như.
Thực tế các bị cáo Luật không có bất kỳ hành vi nào vi phạm thông tư 02/2011. Bị
cáo Luật không phải là thành viên của HĐTD, không họp HĐTD.
Tài liệu sao kê do Viện kiểm sát nhân dân cấp cao cung
cấp chưa chính xác, không hợp pháp (Bút lục 5673-5694) vì là sao lại từ bản in, không có xác nhận của Vietinbank; Các tài
liệu cung cấp còn thiếu phần sao kê đối với số tiền 300 tỷ, vì khi chuyển tiền
thì phần 200 tỷ cũng giống như phần 300 tỷ, cần có cả sao kê này để đối chiếu;
không có biên bản họp Hội đồng Alco nên chưa xác định được việc có hay không chủ
trương gửi tiền như cáo trạng nhận định; chưa xác định được số tiền 200 tỷ mất ở
đâu, hiện do ai quản lý, chiếm đoạt, cáo trạng, bản án xác định mất ở
Vietinbank chi nhánh Nhà Bè nhưng tất cả các Hợp đồng ở Nhà Bè đã được tất toán
và việc ký các hợp đồng gửi tiền vào Vietinbank chi nhánh TPHCM, không có văn bản
chứng minh Hội đồng tín dụng có biên bản họp duyệt cho vay và gửi tiền vào
Vietinank CN TPHCM chỉ có việc là tiền chuyển sau khi chuyển vào Vietinbank CN
TPHCM thì Huyền Như dùng những thủ đoạn gian dối để lừa Vietinbank CN TPHCM hoặc
có thể có sự câu kết để rút tiền, vậy vai trò của các bị cáo ở đây là không có
hoặc chỉ có hậu quả gián tiếp; Ngoài Huyền Như còn có ai giúp sức để việc rút
tiền này xảy ra mà Vietinbank không hề hay biết; Số tiền trong vụ án này có nhiều
mâu thuẫn, hậu quả thì không biết là gì? Các hợp đồng gửi tiền tại Vietinbank
CN Nhà Bè đã được tất toán và sau đó được gửi tại Vietinbank CN TPHCM đúng quy
định nên tiền nằm trong tài khoản của Vietinbank; Bảng kê chi tiết chỉ là bản
photo từ bản in, không phải photo từ bản gốc dó đó là không hợp pháp. Bản án sơ
thẩm đã có kiến nghị cơ quan chức năng điều tra, xem xét xử lý cá nhân, nhân
viên của VTB có hành vi cấu kết với Huyện Như. Như vậy, nếu kết quả điều tra có
sự tiếp tay của VTB thì lúc này số tiền này do VTB chiếm đoạt và VTB có nghĩa vụ
trả tiền cho NVB. Qua những lập luận trên, LS đề nghị HĐXX xem xét hủy bản án
sơ thẩm.
Các bị cáo thống nhất việc gửi tiền vì xem đó là một nghiệp vụ thông thường
không trái pháp luật, tiền không gửi cho các nhân viên mà chuyển trực tiếp vào
tài khoản của các nhân viên mở tại Vietinbank. Bị cáo không biết tiền bị Huỳnh
Thị Huyền Như chiếm đoạt bằng cách nào, Cáo trạng nhận định Như đã giả chữ ký
chuyển tiền đi nên trách nhiệm thuộc về Vietinbank vì lúc này tiền nằm trong
tài khoản của Vietinbank. Việc thất thoát 200 tỷ không phải là lỗi trực tiếp của
các bị cáo mà là lỗi trực tiếp của bị án
Như tại Vietinbank. Đối với các quy định mà Cáo trạng quy kết các bị cáo vi phạm
quy định về quản lý kinh tế của Nhà nước thì Quyết định số 34/2010/QĐ-TGĐ ngày
29/4/2010 là quyết định nội bộ của Ngân hàng Navibank, Quyết định này không phải văn bản quy pham pháp luật hay văn
bản quản lý kinh tế của Nhà nước nên không thể căn cứ vào đó xác định bị cáo cố
ý làm trái, khoản 3, 4 Điều 7 của Quy chế cho vay ban hành kèm theo quyết định
số 1627/2001/QĐ-NHNN của Ngàn hàng Nhà nước và Điều 94 Luật các tổ chức tín dụng
về việc quy định có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ, có dự án đầu tư, phương
án sản xuất kinh doanh… thì các hợp đồng vay này đã được đảm bảo bằng các hợp đồng
tiền gửi tại Vietinbank nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét. Thông tư
02/2011/TT-NHNN ngày 03/3/2011 của Ngân hàng Nhà nước quy định về mức lãi suất
huy động vốn tối đa bằng Việt Nam đồng áp
dụng đối với đơn vị đi huy động vốn còn Navibank trong trường hợp này là người
đi gửi tiền. Hành vi của bị cáo không phải là hành vi trực tiếp gây ra hậu
quả của vụ án, bị cáo không thể biết về hậu quả có thể xảy ra đối với số tiền
200 tỷ đồng, hậu quả này là do Huỳnh Thị
Huyền Như giả các chứng từ có liên quan, qua mặt Vietinbank để lấy tiền từ tài
khoản của cá nhân nên Vietinbank phải có trách nhiệm. Cáo trạng kết luận hậu
quả của vụ án đã được chứng minh bằng bản án có hiệu lực pháp luật, nhưng các bị cáo không được tham gia phiên
tòa sơ, phúc thẩm để bảo vệ quyền lợi của mình nên dùng hậu quả của vụ án để
buộc các bị cáo chịu trách nhiệm là chưa khách quan, không bảo đảm đúng pháp luật,
quyền lợi cho bị cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng về quyền bào chữa của bị
cáo. Theo sao kê tài khoản của 04 nhân viên tại ngân hàng Vietinbank chi nhánh
Thành phố Hồ Chí Minh đến ngày 31/12/2011
thì số tiền trong tài khoản còn là 273.369.066
đồng nên cần xem xét lại việc kết luận số tiền thất thoát 200 tỷ đồng đã chính
xác hay chưa.
Trong vụ án xét xử đối với bị án Huỳnh Thị Huyền Như, Tòa không mời các bị cáo tham gia tố tụng,
Xác định Ngân hàng Navibank được xác định là nguyên đơn dân sự, lấy kết quả xét
xử của Bản án số 02/2015/HSPT ngày 07/01/2015 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân
tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử đối với các bị cáo nhưng các bị cáo
không được tranh luận và thực hiện quyền bào chữa, tự bào chữa về hậu quả của vụ
án, không có quyền kháng cáo yêu cầu xem xét lại một phần hậu quả của bản án đã
có hiệu lực pháp luật là xâm phạm đến quyền lợi bị cáo. Đồng thời, Bản án sơ thẩm
số 69 của Tòa án nhân dân TPHCM lại xác định Navibank là người có quyền lợi
nghĩa vụ liên quan là mâu thuẫn với bán án số 02/2015.
Xác định có việc Navibank bị thất thoát 200 tỷ đồng tại
Vietinbank hay không vì hiện tại số tiền này vẫn còn nằm trong tài khoản
Vietinbank. Đề nghị hội đồng xét xử xem xét Các hợp đồng tiền gửi với
Vietinbank là có thật, thực tế xuất hiện một số lệnh chi, rút, sao kê nhưng những
vấn đề này chưa được kiểm tra kỹ, đây là vấn đề cần thiết để làm rõ trách nhiệm
của Vietinbank trong việc làm thất thoát số tiền 200 tỷ đồng các nhân viên
Navibank không có lỗi. Việc xác định lỗi khiến tiền bị chuyển ra khỏi tài khoản
là của Vietinbank đã vi phạm quyết định 1284/2002/QĐ-NHNN ngày 21/11/2002 của
Ngân hàng Nhà nước. Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 02/2015/HSPT cũng như trong
cáo trạng và kết luận điều tra của vụ án đều có mâu thuẫn về việc xác định số
tiền 200 tỷ đồng bị chiếm đoạt ở đâu do vậy cần triệu tập Điều tra viên và Kiểm
sát viên tham gia phiên tòa.
Cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện kiểm sát nhân dân tối
cao xác định hành vi của các bị cáo trong vụ án này là nguyên nhân dẫn đến việc
Huyền Như chiếm đoạt số tiền 200 tỷ của Navibank tuy nhiên bị cáo Luật và các bị
cáo khác chỉ là thực hiện các phương án để giúp tháo gỡ những khó khăn của Ngân
hàng Navibank nên đã đi đến quyết định gửi tiền tại Ngân hàng lớn là Vietinbank
nên rất an toàn. Các bị cáo và các nhân viên Navibank không liên hệ với Huyền
Như. Ở đây tiền gửi đã vào tài khoản của các nhân viên Navibank tại Vietinbank
an toàn. Việc làm thất thoát 200 tỷ là trách nhiệm của Vietinbank, không có
quan hệ giữa hành vi và hậu quả. Đại diện Ngân hàng Navibank nay là Ngân hàng
TMCP Quốc Dân xác định chưa bao giờ đề nghị truy tố hình sự các bị cáo.
Bên cạnh đó với lãi suất ngoài được hiểu là khoản chăm
sóc khách hàng thì đây là những tài sản hình thành trong tương lai là đảm bảo
cho các khoản vay. Việc xảy ra trong thời điểm này, Ngân hàng gặp nhiều khó
khăn, các nhân viên Navibank khi thực hiện việc này đều không có tư lợi riêng,
họ là những cổ đông của Ngân hàng Navibank.
Cấu thành của tội này phải có thiệt hại, nhưng các bị
cáo không được chứng minh về thiệt hại, các bị cáo đều cho rằng mình bị buộc tội
là do một bản án khác. Về khách thể của tội này thì các hành vi của các bị cáo
không xâm phạm vào việc quản lý kinh tế của Nhà nước, các bị cáo trong vụ án
này đều công tác trong doanh nghiệp không thuộc quản lý của Nhà nước, không có
vốn Nhà nước; Hậu quả thiệt hại là một yếu tố quan trọng cấu thành của tội này,
nhưng toàn bộ số hợp đồng tiền gửi từ Navibank và Vietinbank là có thật nên đề
nghị xem xét trách nhiệm đối với việc tiền bị rút ra khỏi tài khoản. Đây không
phải hợp đồng giả cách như bản án sơ thẩm nhận định, vì không có bằng chứng hợp
đồng giả cách, đó chỉ là sự suy luận thiếu căn cứ trong 1 vụ án hình sự.
Hành vi của các bị cáo trong vụ án đều không có mối
quan hệ với hậu quả của việc Huyền Như chiếm đoạt số tiền 200 tỷ của Navibank tại
Vietinbank. Dùng bản án số 02/2015/HSPT ngày 07/01/2015 của Tòa phúc thẩm Tòa
án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh để xác định hậu quả của vụ án
này, các bị cáo không được chứng minh hậu quả của vụ án. Các bị cáo không được
tham gia phiên tòa sơ và phúc thẩm xét xử đối với vụ án Huỳnh Thị Huyền Như để
bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bản
án phúc thẩm đã có một sai lầm nghiêm trọng là xử lý Huyền Như và kiến nghị xử
lý các vi phạm Navibank và đây không phải là căn cứ để đưa ra xem xét truy cứu
trách nhiệm của 10 bị cáo tại vụ án này.
Theo bản án sơ thẩm và phúc thẩm thì Huyền Như là người
đã lừa đảo Navibank mà cụ thể là 10 bị cáo ở đây, vậy họ cũng là nạn nhân. Vậy sau khi phân tích cả 10 bị cáo bị Huyền
Như lừa thì họ không thể thấy trước được hậu quả, không có lỗi cố ý, đây là 1
trong 4 yếu tố cấu thành của tội “Cố ý
làm trái…”. Nếu biết trước bị lừa họ
đã không thực hiện việc gửi tiền nên không thể gọi là cố ý.
Cáo trạng truy tố hành vi của các bị cáo vi phạm 04
quy định, nhưng phần luận tội của đại diện Viện kiểm sát chỉ nêu 03 quy định, vậy
Viện kiểm sát rút việc vi phạm quy định tại Quyết định 34/2010/QĐ-TGĐ hay
không? Đề nghị làm rõ việc thực hiện các lệnh chi vào các ngày 29-30/9/2011 vì bị án Huyền Như bị bắt vào ngày 28/9/2011.
Đối với 04 nhân viên Navibank họ đứng tên tài khoản
thì xác định họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng là
không khách quan.
Huỳnh Thị
Huyền Như không thể thực hiện việc chuyển tiền ra khỏi tài khoản của 14 nhân
viên Navibank vì chuyển tiền ra khỏi tài khoản phải đảm bảo các thủ tục trình tự
theo quy định của Ngân hàng phải thông qua kiểm soát viên, giao dịch viên, kế toán,
thủ quỹ? huyền Như làm sao giả được 14 chữ ký mà không ai biết? rút và chuyển
tiền thế nào khi 1 mình bị án Huyền Như có thể thực hiện được? số tiền 200 tỷ
không bị chiếm đoạt hiện vẫn nằm trong tài khoản của các nhân viên Navibank mở
tại Vietinbank và thực tế Navibank vẫn đang đòi Vietinbank trả lại số tiền này
chứ Navibank không yêu cầu các bị cáo bồi thường.
Các tài liệu
chứng cứ cần được xác thực bởi cơ quan chuyên môn, sao kê có nhiều tiếng nước
ngoài chưa được dịch ra tiếng Việt; hồ sơ vụ án không có các tài liệu chứng cứ
chứng minh Huyền Như chuyển tiền ra khỏi tài khoản của 14 nhân viên; hồ sơ mở
tài khoản của 14 nhân viên mở tại Vietinbank không có chứng cứ chứng minh là giả,
khi tiền chuyển vào Vietinbank thì khi đó Vietinbank có trách nhiệm phải quản
lý số dư tài khoản của khách hàng. Không có tài liệu, chứng cứ chứng minh số tiền
thiệt hại đang ở đâu? Hiện do ai chiếm giữ thì làm sao kết tội các bị cáo?
Các khoản
tiền mà Navibank gửi vào tài khoản các nhân viên Navibank tại Vietinbank là an
toàn thông qua hệ thống liên ngân hàng, các Hợp đồng đã qua giám định là hợp đồng
thật. Tiền gửi và giao dịch là an toàn. Huyền Như đã có sự cấu kết với các cán
bộ Vietinbank để chuyển và rút tiền thì là lỗi ở phía Vietinbank. Các bị cáo vì
lợi nhuận của ngân hàng chứ không vì mục đích cá nhân, lợi nhuận cá nhân như bản
án sơ thẩm nhận định. Các bị cáo không vi phạm quy định Nhà nước về quản lý
kinh tế, vì thời điểm xảy ra vụ án thì không có quy định nào của Nhà nước để quản
lý các hành vi của các bị cáo. Nếu thực sự có chủ trương huy động vốn vượt tầm
thì đề nghị truy tố những người có trách nhiệm tại Vietinbank.
Đối với các
hồ sơ gửi tiền tại Vietinbank chi nhánh Nhà Bè là Huỳnh Thị Huyền Như đã lừa Võ
Anh Tuấn để rút ra khỏi tài khoản và sau đó tất cả các hợp đồng này đã được tất
toán; Các bút lục trong hồ sơ vụ án thể hiện hành vi lừa đảo của Huỳnh Thị Huyền
Như là lừa đảo ngân hàng Vietinbank việc Huyền Như gian dối chiếm đoạt trong
trường hợp này Ngân hàng phải có trách nhiệm trả lại cho khách hàng vì nhân
viên của mình cố ý làm sai và việc gửi tiền của các nhân viên Navibank vào
Vietinbank hoàn toàn hợp pháp; các hợp đồng gửi tiền vào Vietinbank chi nhánh
Nhà Bè đã được tất toán nên việc cáo trạng xác định tiền bị mất ở Nhà Bè là
không chính xác; số tiền 500 tỷ được gửi vào Vietinbank chi nhánh Thành phố Hồ
Chí Minh là đúng quy định và việc mất tiền là lỗi của Ngân hàng Vietinbank nên
Ngân hàng Vietinbank phải có trách nhiệm hoàn trả; Cần xem xét tính hợp pháp của
các bản sao kê và dữ liệu được xác định tại công văn không số của Ngân hàng
Vietinbank cũng như số tiền còn trong tài khoản của nhân viên Navibank mở tại
Ngân hàng Vietinbank.
Bộ luật
hình sự 2015 không còn quy định về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về
quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, khoản 3 Điều 7 BLHS 2015 và Nghị quyết
41/2017/NQ-QH14 của quốc hội quy định về áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo.
Tội danh “Cố
ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hâu quả nghiêm trọng”
quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự 1999 trước đến nay được áp dụng cho khối
doanh nghiệp có vốn Nhà nước, trong khi Navibank là Ngân hàng tư nhân; Thời
gian điều tra, khởi tố vụ án ngắn các bị cáo chưa được đối chất (Bị cáo Luật
yêu cầu được đối chất với Huyền Như tại phiên tòa sơ thẩm nhưng không được xem
xét chấp nhận dù đây là quyền bị cáo và không xác minh số điện thoại Luật có
liên lạc với như bằng điện thoại không) và các tài liệu chứng cứ chưa được thu
thập đầy đủ, nội dung Kết luận điều tra và cáo trạng còn nhiều mâu thuẫn mà các
luật sư đã phân tích; Các khiếu nại của các bị cáo chưa được Viện kiểm sát nhân
dân tối cao giải quyết theo quy định nên đây là vi phạm tố tụng cần hủy án bảo
đảm quyền lợi cho bị cáo chứ không có chuyện rút kinh nghiệm như bản án sơ thẩm
nhận định, rút khinh nghiệm không có trong luật hinh sự, tố tụng hình sự
Các Hợp đồng
được ký với người có thẩm quyền của Vietinbank (đã được khoa học hình sự xác định
là thật); kể từ thời điểm tiền chuyển an toàn vào tài khoản tại Vietinbank thì
các giao dịch phát sinh có sự kiểm tra, giám sát của nhân viên Vietinbank,
trách nhiệm quản lý là của Vietinbank. Navibank đã từng có văn bản khẳng định họ
không có văn bản yêu cầu xử lý hình sự đối với 10 bị cáo.
Các bị cáo
là nhân viên Navibank không làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh
tế. Thời điểm 2010, 2011, không có quy định nghiệp vụ Ngân hàng nào cấm một Tổ
chức tín dụng cho cá nhân vay rồi gửi tiền tại Ngân hàng khác (bản chất các nhân
viên Navibank khi tham gia giao dịch vay tiền của Navibank cũng chỉ là khách
hàng). Việc vi phạm Quyết định số 34/2010/QĐ-TGĐ chỉ là quy định nội bộ của
Navibank. Công văn 1132 hướng dẫn phương án vay vốn có thể ghi ngay trong giấy
đề nghị vay vốn chứ không cần có phương án vay vốn riêng.
Bị cáo Luật
chỉ báo cáo lại thông tin mời chào huy động vốn với lãi suất cho Hội đồng Alco
biết. Việc thực hiện các hợp đồng cho vay và gửi tiền đều đúng quy định và thực
tế các hợp đồng đã được tất toán; Trong vụ án này bị cáo Luật chưa bao giờ lợi
dụng chức vụ, quyền hạn của mình để đề xuất chủ trương hay yêu cầu nhân viên đứng
tên vay và gửi vào Vietinbank. Việc gửi tiền tại Vietinbank CN Nhà Bè đã được tất
toán hoàn toàn cả gốc và lãi. Sau đó, Navibank tiếp tục có niềm tin vào Ngân
hàng Viettinbank nên đã cho các nhân viên vay và gửi tiền vào Vietinbank CN HCM
với số tiền 500 tỷ, trong đó có 300 tỷ đã được tất toán cả gốc và lãi, còn lại
số tiền 200 tỷ vẫn còn tại Vietinbank CN HCM. Việc mất tiền là do chính Huyền
Như thực hiện nhưng việc quản lý và để mất tiền lại là trách nhiệm của
Vietinbank chi nhánh Hồ Chí Minh; Cáo trạng quy kết thất thoát 200 tỷ là chưa
chính xác, vì các sao kê của 04 nhân viên của Navibank thể hiện số tiền hơn 200
tỷ.
Trước và
sau khi ký hợp đồng gửi tiền với Vietinbank chi nhánh Nhà Bè cũng như
Vietinbank chi nhánh Hồ Chí Minh, các cán bộ, nhân viên của phía ngân hàng
Navibank chi nhánh Hồ Chí Minh, các cán bộ, nhân viên của phía ngân hàng
Navibank không gặp Huyền Như cũng không thông qua người trung gian Võ Anh Tuấn
– Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè để bàn bạc, thỏa thuận việc gửi tiền
hưởng lãi suất cao như Cáo trạng đã nêu. Không có tài liệu, chứng cứ, bằng chứng
về vấn đề này mà chỉ suy luận.
Việc Huyền
Như ký giả chữ ký chủ tài khoản trên 47 hợp đồng để chiếm đoạt tiền là lỗi của
Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, Navibank chỉ có sơ suất không trực tiếp đến Vietinbank
chi nhánh Nhà Bè để ký hợp đồng; tiền lãi 14% theo hợp đồng tiền gửi cho
Vietinbank chi nhánh Nhà Bè chuyển khoản, tiền lãi chênh lệch do nhân viên của
Vietinbank chi nhánh Nhà Bè chuyển cho phía cán bộ Navibank chứ không như Cáo
trạng đã nêu và nhận định. Chính vì vậy, Cáo trạng và Kết luận điều tra xác định
Huyền Như trả lãi chênh lệch, hoa hồng cho phía Navibank là không chính xác và
không có bằng chứng, gây hiểu nhầm, ảnh hưởng đến bản chất vụ việc; Giai đoạn gửi
tiền ở Vietinbank Nhà Bè đã tất toán xong, không gây thiệt hại nhưng Cáo trạng
quy kết mất 200 tỷ ở Vietinbank chi nhánh Nhà Bè là chưa chính xác. Việc căn cứ
vào Bản án số 02/2015/HSPT kết luận Navibank bị mất – bị thiệt hại 200 tỷ là
không chính xác vì theo các bản sao kê hiện trong tài khoản của một số nhân
viên còn hơn 300.000.000 đồng. Bản án 02/2015/HSPT và quá trình điều tra chưa
chứng minh được mất tiền tại giai đoạn nào, mất bao nhiêu nhưng đã vội vàng
truy tố, xét xử.
Các bị cáo
chưa được đọc, ghi chép những tài liệu, chứng cứ để hiểu rõ và có cơ hội tự bảo
vệ mình tốt hơn; Chưa xác định đúng tư cách tham gia tố tụng của 04 nhân viên gửi
tiền phía Navibank, của phía ngân nhàng Navibank, ngân hàng Vietinbank; Chưa
triệu tập những đơn vị, cá nhân nhận tiền từ những lệnh chuyển tiền trái phép
do Huyền Như thực hiện để giải quyết quyền và nghĩa vụ của họ nhằm thu hồi số
tiền đã mất. Đồng thời, cần chứng minh rõ thiệt hại ở giai đoạn gửi tiền nào, số
tiền của 04 nhân viên Navibank đã mất cụ thể là bao nhiêu, phát sinh từ những lệnh
chuyển nào, do ai thực hiện và xác định lại trách nhiệm thuộc về ai.
Tôi tin rằng
không
hề việc Huyền Như giả chữ ký và con dấu khi Navibank thực hiện giao dịch gửi tiền
tại Vietinbank
Từ các hành
vi vi phạm của Huyền Như và các nhân viên Vietinbank đối với tiền gửi của
Navibank trong giao dịch rút tiền của khách hàng mà không có sự đồng ý của chủ
tài khoản là thuộc trách nhiệm của nhân viên Vietinbank nói riêng, và
Vietinbank nói chung. Không thể quy kết về phía Navibank và các bị cáo gây hậu
quả vì Huyền Như là người của pháp nhân Vietinbank.
Theo Điều 597 Bộ luật dân sự, “pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người
của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao”. Huỳnh Thị
Huyền Như và các cán bộ khác của Vietinbank đã chiếm đoạt tiền trên tài khoản của
khách hàng thì Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường cho khách hàng.
Cần điều tra làm rõ tiền
bị mất tại Vietinbank chi nhánh TP.HCM hay tại chi nhánh Nhà Bè? Cụ thể qua
bằng chứng, chứng cứ, sao kê, lệnh chuyển và rút tiền…
Thiệt hại 200 tỷ đồng
hay 197,5 tỷ đồng? ở đâu?
Viện kiểm
sát truy tố 8/11 thành viên thuộc Hội đồng ALCO và 8/9 thành viên của Hội đồng
tín dụng của Navibank. Trong 10 bị cáo thì có 2 người không thuộc Hội đồng
ALCO, 2 người không thuộc Hội đồng tín dụng. Tuy nhiên tất cả đều bị truy tố,
xét xử với cùng một tội danh, cùng 1 hành vi vi phạm mà không có chứng cứ chứng
minh, là đã vi phạm nghiêm trọng BLTTHS 2015. thời điểm họp Hội đồng ALCO là
trước hay sau khi có Thông tư 02/2011 mà Viện kiểm sát đang cho là các bị cáo
vi phạm? Tất cả các quy kết đều chỉ thuần tuý dựa trên nguyên tắc “suy đoán buộc tội” mà Viện kiểm sát đang
thể hiện xuyên suốt Cáo trạng. Trong khi không có nguyên tắc
suy đoán buộc tội mà chỉ có nguyên tắc suy đoán có tội.
Các bị
cáo khác đều không ai quen biết với Huỳnh Thị Huyền Như, không ai nhận bất kỳ lợi
ích gì từ Huỳnh Thị Huyền Như cũng như từ việc cho vay/gửi tiền. Tại phiên toà, Huỳnh Thị Huyền Như cũng
xác nhận không quen biết với bất kỳ ai ở Navibank. Như vậy Cáo trạng cho rằng
việc Huỳnh Thị Huyền Như thông qua các bước trung gian để lừa, dẫn dụ các bị
cáo là suy luận sai lầm theo hướng buộc tội và mâu thuẫn với
lời khai Huyền Như. Việc dựa trên lời khai của cá nhân Huỳnh Thị Huyền
Như, thừa nhận việc lập các chứng từ, giấy tờ giả để rút tiền từ tài khoản hợp
pháp mở tại Vietinbank mà không qua các bước đối chiếu, kiểm chứng lại, làm căn
cứ kết luận Huỳnh Thị Huyền Như đã lừa lấy tiền của Navibank, từ đó suy luận
theo hướng buộc tội cho rằng các bị cáo đã gây ra hậu quả làm mất 200 tỉ và kết
tội/kết án các bị cáo là không đúng. Việc chỉ dựa vào lời nhận tội của Huỳnh Thị
Huyền Như mà không qua các bước kiểm tra, đối chiếu thực tế và với các chứng cứ
khác, là vi phạm nghiêm trọng khoản 2 Điều 98 BLTTHS 2015 “Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù
hợp với những chứng cứ khác của vụ án”.
-
Các khoản tiền có trong
8 thẻ tiết kiệm của Lê Thị Thu Hương và Huỳnh Linh Chi đã bị Vietinbank rút ra
57,5 tỉ đồng sau khi vụ án đã bị khởi tố, Huỳnh Thị Huyền Như đã bị tạm
giam, nhưng cũng không được Hội đồng xét xử xem xét, đánh giá xem ai đã chỉ
đạo rút tiền chiếm đoạt khoản tiền này. Việc đại diện Viện kiểm sát giữ quyền
công tố tại tòa trả lời (trang 46 Bản án) “khi
đó Ngân hàng Vietinbank thấy các khoản vay thế chấp đó không an toàn nên đã tự
động tất toán các hợp đồng vay thế chấp bằng các sổ tiết kiệm này” mà không
lý giải tại sao, ai đã chỉ đạo việc tất
toán khoản vay giả bằng cách lấy tiền từ các sổ tiết kiệm thật liên quan đến vụ
án sau khi vụ án đã được khởi tố, căn cứ nào để đại diện Viện kiểm sát trả
lời thay cho Vietinbank,… có điều gì mâu thuẫn ở đây?
-
Viện kiểm sát khi tiến
hành tố tụng chỉ suy diễn theo hướng buộc tội mà không đưa ra được những chứng
cứ chứng minh tội phạm nào, các quan điểm của VKS trong Cáo trạng 80 hoàn toàn
mâu thuẫn với KLĐT số 59 và số 68 ở đối tượng phạm tội, hành vi phạm tội, thời
gian, địa điểm phạm tội,… và trái ngược cả Cáo trạng số 01 trước khi vụ án được
tách ra khỏi vụ án Huyền Như giai đoạn 2.
-
-
Hội
đồng xét xử sơ thẩm đã kiến nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an làm rõ trách nhiệm
của các giao dịch viên, kiểm soát viên của Vietinbank thực hiện các Lệnh chi giả
mạo. Hội đồng xét xử vẫn tuyên án là chưa
xem xét, đánh giá đầy đủ và toàn diện các tình tiết của vụ án, việc này có thể
làm rõ ai là người thực sự gây hậu quả nghiêm trọng làm mất 200 tỷ (hoặc 197,5
tỉ đồng) của Navibank.
-
Việc đại diện Viện kiểm
sát cũng như HĐXX chỉ căn cứ vào lời khai của các bị cáo tại Cơ quan điều tra
mà không thu thập các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cũng như không xem xét lời
khai của các bị cáo tại diễn biến phiên tòa, để kết luận rằng “Hội đồng ALCO có chủ trương” mặc dù
không có biên bản họp Hội đồng ALCO về chủ trương này là vi phạm khoản 2 Điều
98 BLTTHS 2015.
II/. QUAN ĐIỂM CỦA LUẬT SƯ ĐỐI VỚI PHIÊN TÒA SƠ THẨM.
1.
Tước
bỏ quyền bào chữa đối với cáo buộc “gây hậu quả nghiêm trọng”.
Các bị cáo không
được tham gia tố tụng với bất kỳ tư cách gì trong vụ án Huyền Như giai đoạn 1,
nhưng các “Cơ quan chức năng” lại dùng
kết quả của các bản án đó để làm căn cứ buộc tội các bị cáo đã “gây hậu quả
nghiêm trọng”, và cũng dựa vào lý do các bản án đã có hiệu lực pháp luật để tước
bỏ quyền bào chữa của các bị cáo đối với việc có gây ra hậu quả hay không, vốn
là yếu tố cấu thành quyết định nên tội “Cố
ý làm trái các quy định của Nhà
nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Điều này vi phạm
nghiêm trọng Điều 16 BLTTHS 2015 về bảo đảm cho người bị buộc tội thực hiện đầy
đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định pháp luật.
2.
Vi phạm quyền khiếu nại quy định tại Điều
472, 473 BLTTHS 2015:
Khi nhận các bản Cáo trạng số 01 và số
80, các bị cáo đều có khiếu nại đối với cả hai bản cáo trạng trên, nhưng cho đến
nay vẫn chưa được bất kỳ quyết định giải quyết nào. Đặc biệt, trong cáo trạng số
80, đại diện VKS đã phải thừa nhận là “quên” giải quyết khiếu nại và tuyên bố sẽ
giải quyết ngay tại phiên tòa, nhưng cho đến bây giờ các bị cáo vẫn chưa nhận
được bất kỳ giải quyết khiếu nại nào.
Các KLĐT và Cáo trạng cũng đều xác định
tất cả các bị cáo đều khiếu nại kêu oan, luật sư cũng gửi kiến nghị. Tuy vậy,
Cơ quan CSĐT Bộ Công an và VKSNDTC chỉ nêu trong bản KLĐT và Cáo trạng mà không
trả lời cho người khiếu nại bằng văn bản là trái với
điểm d khoản 1 Điều 472 và điểm a khoản 2 Điều 473 BLTTHS 2015. Tại phiên tòa,
các luật sư đã yêu cầu nhưng vẫn không được giải quyết.
Luật tố tụng không có điều khoản nào
quy định rút kinh nghiệm khi vi phạm tố tụng mà chỉ có quy định trả hồ sơ, hủy
bán án để trả hồ sơ, khắc phục các sai sót vi phạm tố tụng, vi phạm quyền lợi bị
cáo.
Bị cáo Luật
yêu cầu được đối chất tại phiên tòa sơ thẩm với Huyền Như nhưng không được Tòa
sơ thẩm chấp nhận.
Bị cáo Luật
yêu cầu được trích xuất các cuộc gọi giữa Huyền Như và bị cáo Luật để làm rõ chứng
minh bị cáo Luật có liên hệ với Huyền Như không vì cơ quan tố tụng chỉ dựa vào
lời khai và suy đoán nhưng bị từ chối ngay từ giai đoạn điều tra và kể cả phiên
tòa phúc thẩm cũng không chấp nhận. Rõ ràng đây là hành vi vi phạm tố tụng.
3.
Vi phạm
nguyên tắc bổ sung tài liệu, chứng cứ:
Hai bản án số 46/2014/HSST và bản án số
02/2015/HSPT khó có thể xem là căn cứ để buộc tội các bị cáo. Theo Điều 87
BLTTHS, bản án không thuộc loại nguồn chứng cứ, trừ khi muốn xếp vào loại các
tài liệu, đồ vật khác theo khoản 1, điểm g, trong khi biên bản trong hoạt động
khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được coi là nguồn chứng cứ. Điều
104 BLTTHS quy định về tài liệu, đồ vật khác, khái niệm bản án không thuộc vào
mục này.
Bản án hình sự
sơ thẩm số 46/2014/HSST và Bản án hình sự phúc thẩm số 02/2015/HSPT của vụ án
Huỳnh Thị Huyền Như (giai đoạn 1) là 02 tài liệu được các cơ quan tiến hành tố
tụng xem là chứng cứ quan trọng để cáo buộc các bị cáo tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản
lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, trong suốt quá trình điều tra,
truy tố, xét xử, 02 bản án này không hề có trong hồ sơ vụ án. Các bị cáo đều
không hề biết gì đến 02 bản án này. Điều này đã vi phạm nghiêm trọng Điều 26
BLTTHS, theo đó quy định “Tài liệu, chứng
cứ trong hồ sơ vụ án do Viện kiểm sát chuyển đến Tòa án để xét xử phải đầy đủ
và hợp pháp”.
Phát hiện ra sai sót này, tại
phiên tòa sơ thẩm khai mạc ngày 28/02/2018 trong quá trình xét hỏi, ngày
07/3/2018 HĐXX đã tạm ngừng phiên tòa để yêu cầu VKSNDTC bổ sung
tài liệu, chứng cứ, bao gồm: Bản án hình sự sơ thẩm số 46/2014/HSST và Bản
án hình sự phúc thẩm số 02/2015/HSPT và sao kê tài khoản của 04 nhân viên
Navibank.
Theo BLTTHS
2015, không có quy định tạm ngưng phiên tòa để bổ sung tài liệu, tại khoản 1 Điều
284 quy định: “Khi xét thấy cần bổ sung tài liệu, chứng cứ
cần thiết cho việc giải quyết vụ án mà không phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung
thì Thẩm phán chủ toạ phiên tòa yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung”.
Như
vậy, các thủ tục bổ sung tài liệu, chứng cứ chỉ được thực hiện trong giai đoạn “chuẩn bị xét xử” trước khi mở phiên
tòa. Việc bổ sung tài liệu, chứng cứ khi phiên đang xét xử là vi phạm BLTTHS và
không đảm bảo quyền lợi của các bị cao vì các luật sư không đủ thời gian để
nghiên cứu các chứng cứ bổ sung này.
4.
Vi
phạm nguyên tắc tranh luận tại phiên tòa quy định tại Điều 322 BLTTHS 2015:
Khoản 2 Điều 322
BLTTHS 2015quy định: “Kiểm
sát viên phải đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận để đối đáp đến cùng từng ý
kiến của bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa”. Như
vậy, khi Kiểm sát viên không tranh luận được là không bảo vệ được Cáo trạng
truy tố, đồng nghĩa quan điểm của luật sư, của bị cáo là có đúng. Dù vậy, Hội đồng
xét xử đã không chấp nhận quan điểm bào chữa của các luật sư và bị cáo mà vẫn sử
dụng quan điểm của Viện kiểm sát để ra bản án. Đây là điểm
vô lý.
5.
Vi
phạm phạm vi xét xử:
Phiên tòa sơ thẩm chỉ xét xử những gì VKS truy
tố bằng Cáo trạng. Tại phiên tòa, kiểm sát viên giữ quyền công tố đề nghị thu của
Navibank 300 triệu mặc dù số tiền này hoàn toàn không được xem xét trong suốt
quá trình điều tra, truy tố, các KLĐT, các Cáo trạng đều không có dòng kết luận
nào. Tuy vậy nhưng Bản án 69 lại chấp nhận đề nghị trái luật của KSV lại được Hội
đồng xét xử sơ thẩm chấp nhận và tuyên tịch thu số tiền này sung vào công quỹ
Nhà nước.
Việc tịch thu số tiền này cũng trái với Bản án hình sự phúc thẩm số
02/2015/HSPT khi mà số tiền lãi chi ngoài của tất cả các bị hại khác đều không
bị tịch thu.
Bản án
hình sự phúc thẩm số 02/2015/HSPT tuyên hoàn trả cho ACB số tiền còn lại hơn 24
tỷ đồng trong tài khoản của 19 cá nhân là nhân viên của ACB. Tuy nhiên, trang
61 Bản án hình sự sơ thẩm số 69/2018/HSST lại yêu cầu Cục Thi hành án dân sự
TP.HCM xác minh số tiền còn trong các tài khoản tại Vietinbank của các nhân
viên Navibank (gần 300 triệu đồng) để kê biên thu giữ là mâu thuẫn với Bản án
hình sự phúc thẩm số 02/2015/HSPT ngày 07/01/2015 nói trên.
6.
Vi phạm
Điều 260 BLTTHS 2015 quy định về bản án:
Bản án hình sự sơ thẩm
số 69/2018/HSST ngày 19/3/2018 của TAND TP. Hồ Chí Minh không tóm tắt đầy đủ
những ý kiến, lập luận, yêu cầu quan trọng của các luật sư bào chữa cho các bị
cáo.
Phần lớn những ý kiến,
lập luận, yêu cầu quan trọng của các luật sư đã không được Bản án hình sự sơ thẩm
số 69/2018/HSST ngày 19/3/2018 của TAND TP. Hồ Chí Minh phân tích lý do bác
bỏ.
Bản án hình sự sơ thẩm
số 69/2018/HSST ngày 19/3/2018 của TAND TP. Hồ Chí Minh chỉ phân tích lý do
bác bỏ một số ý kiến, lập luận, yêu cầu của các luật sư được ghi trong bản án
(không tính những nội dung không ghi trong bản án), nhưng các lý do bác bỏ này
đều không đúng, qua loa và mơ hồ.
7.Bản án Kiến nghị CQCSĐT Bộ công an, VKSNDTC tiếp tục điều tra làm rõ trách nhiệm
của các cá nhân, nhân viên Ngân hàng Vietinbank có hay không có hành vi giúp sức
cho Huỳnh Thị Huyền Như liên quan đến việc chiếm đoạt số tiền của Ngân hàng
Navibank. Nếu đủ căn cứ thì xử lý theo quy định của pháp luật.
Nếu sau này có kết luận có sự tiếp tay của cá nhân,
nhân viên của VTB để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội tham ô tài sản liên
quan đến số tiền chiếm đoạt của NVB. Lúc này, sau khi xác định được VTB lừa đảo
NVB chứ không phải Huyền Như thì lúc này các bị cáo trong vụ án này không có tội
thì liệu có oan cho các bị cáo không? Đây là điều hết sức mâu thuẫn và bắt buộc
phải hủy bản án để cùng điều tra chung 1 vụ đối với các sai phạm của VTB để bảo
đảm vụ án giải quyết khách quan, đúng luật, bảo đảm quyền lợi cho các bị cáo.
8.Không có bằng chứng, tài liệu nào chứng minh các hợp đồng
vay là giả cách, tòa án cấp sơ thẩm chỉ suy luận. tố tụng hình sự không có suy
luận vô căn cứ mà phải có chứng cứ thật.
III/. QUAN ĐIỂM CỦA LUẬT SƯ
ĐỐI VỚI YÊU CẦU GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP.
Hành vi gửi tiền lẫn
nhau giữa Navibank với Vietinbank không thuộc trường hợp cấm nào do Luật quy định
như HĐXX đã đưa ra cụ thể:
-
Thông
tư 02/2011/TT-NHNN ngày 03-03-2011 của Ngân hàng Nhà nước về “Quy định mức lãi
suất huy động vốn tối đa bằng đồng Việt Nam”, vốn chỉ quy định đối với tổ chức
tín dụng nhận tiền gửi và không có điều khoản nào quy định đối với bên gửi
tiền;
-
Điều
94 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định về việc “Xét duyệt cấp tín dụng,
kiểm tra sử dụng tiền vay”;
-
Điều
100 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định về việc “Vay vốn của tổ chức
tín dụng, tổ chức tài chính”;
-
Tiết
c, khoản 1, Điều 108 về “Hoạt động ngân hàng của công ty tài chính” của Luật
các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định về một trong các trường hợp công ty tài
chính được thực hiện một hoặc một số
hoạt động ngân hàng là: “Vay vốn của tổ
chức tín dụng, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài theo quy định của
pháp luật; vay Ngân hàng Nhà nước dưới hình thức tái cấp vốn theo quy định của
Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.
-
Khoản
3, Điều 112 về “Hoạt động ngân hàng của công ty cho thuê tài chính” của Luật
các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định một trong các hoạt động ngân hàng của
công ty cho thuê tài chính là: “Vay vốn
của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài theo quy định
của pháp luật; vay Ngân hàng Nhà nước dưới hình thức tái cấp vốn theo quy định
của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”;
-
Tiết
b, Khoản 4, Điều 118 về “Hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân” của Luật các tổ
chức tín dụng năm 2010 quy định một trong các hoạt động khác quỹ tín dụng nhân
dân được thực hiện là: “Vay vốn của các
tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính khác”;
-
Khoản
2, Điều 119 về “Huy động vốn của tổ chức tài chính vi mô” của Luật các tổ chức
tín dụng năm 2010 quy định: “Vay vốn của
tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, và các cá nhân, tổ chức khác trong nước và
nước ngoài theo quy định của pháp luật”.
Ngoài
các quy định nêu trên, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 không có bất kỳ quy
định nào đề cập đến việc cấm gửi tiền giữa các tổ chức tín dụng. Luật không cấm thì được phép làm.
Vì những lý
do nêu trên, Đề nghị thực hiện trưng cầu giám định các vấn đề sau:
Việc
các tổ chức tín dụng trực tiếp hoặc gián tiếp gửi tiền cho nhau từ ngày 12-05-2011
đến ngày 27-05-2011 có kỳ hạn 3-6 tháng với lãi suất từ 22% đến 22,5%/năm có vi
phạm Thông tư 02/2011/TT-NHNN và Điều 94, Điều 100, tiết c khoản 1 Điều 108,
khoản 3 Điều 112, tiết b khoản 4 Điều 118, khoản 2 Điều 119 của Luật các tổ
chức tín dụng năm 2010 hay không? Vi phạm cụ thể thế nào? Diễn giải cụ thể.
Xác
định số tiền thiệt hại chính xác được xem là “hậu quả” trong vụ án này là bao
nhiêu?
Vì những căn cứ trên, căn cứ theo điều 355, 358 Bộ luật
tố tụng hình sự 2015 tôi yêu cầu hủy bản án sơ thẩm số 69 của Tòa án nhân dân
TP.HCM. Trả hồ sơ để điều tra lại xét xử lại sơ thẩm từ đầu theo quy định pháp
luật.
Kính mong HĐXX
chấp nhận.
Trân trọng.
Ngày
tháng năm 2018
Người
bào chữa
LS
TRẦN MINH HÙNG
|