1.         Khái niệm

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết hay còn được hiểu di chúc là phương tiện biểu hiện ý chí của con người nằm định đoạt tài sản của mình cho người khác sau khi chết, phù hợp với quy định cảu pháp luật.
Như vậy, di chúc là ý chí đơn phương tự nguyện của cá nhân có tài sản mà không phải bất kỳ chủ thể nào khác nhằm mục đích chuyển di sản của người chết cho những người khác đã được xác định trong di chúc. Đây chính là căn cứ để phát sinh qua hệ thừa kế theo di chúc. Đồng thời để di chúc có hiệu lực chỉ khi người lập di chúc chết.

2.         Điều kiện để di chúc có hiệu lực

Di chúc hợp pháp là di chúc được lập bởi người để lại di sản, đáp ứng đầy đủ các điều kiện thao quy định của pháp luật về năng lực chủ thể, ý chí của chủ thể, nội dung và hình thức.

2.1.      Chủ thể

Năng lực chủ thể được hiểu là khả năng pháp lý của chủ thể khi tham gia vào quan hệ pháp luật, bao gồm năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự. Trong đó, theo khoản 1 Điều 16 BLDS 2015 quy định thì năng lực pháp luật dân sự của cá nhân khả năng của cá nhân có quyền và có nghĩa vụ dân sự. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập những quyền và nghĩa vụ dân sự, cũng như việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân sự đó. Khả năng này chỉ có thể thực hiện khi đạt đến độ tuổi nhất định và có đủ nhận thức và làm chủ được hành vi của mình để xác lập giao dịch.
Người lập di chúc là người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của Bộ Luật dân sự 2015 có quyền lập di chúc định đoạt tài sản của mình. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
  1. Độ tuổi:
- Người thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên:
Cá nhân khi đủ mười tám tuổi tròn (tính theo ngày, tháng), còn phải là người khỏe mạnh, có trí tuệ phát triển bình thường, không bị mắc các bệnh tâm thần, mất trí, không bị Toà án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự. Nghĩa là, cá nhân đó có đủ khả năng để nhận thức việc mình làm, đủ khả năng để làm chủ, chỉ huy được hành vi của mình.
Như vậy, những người từ đủ mười tám tuổi (tính theo ngày tròn) được suy đoán là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Những cá nhân này là những chủ thể có đầy đủ tư cách chủ thể và có thể tham gia vào các quan hệ dân sự độc lập.
- Người chưa thành niên là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi:
Theo quy định tại khoản Điều 21 BLDS 2015 quy đinh:”Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ gia dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý”. Như vậy, việc quy định lập di chúc của người chưa thành niên bắt buộc phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật.
  1. Năng lực hành vi dân sự
Tại điểm a khoản 1- Điều 630 (BLDS 2015) quy định: “ Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép
Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Người lập di chúc phải hoàn toàn tự nguyện, không bi cưỡng ép, ép buộc làm trái với ý muốn của mình hoặc bị lừa dối.
Khoản 2 Điều 20 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp sau:
  • Mất năng lực hành vi dân sự
Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
  • Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
Khi không còn căn cứ tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
  • Hạn chế năng lực hành vi dân sự
Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Tòa án quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện.
Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.
Khi không còn căn cứ tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Theo quy định trên đây, người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự là những cá nhân có đầy đủ tư cách chủ thể và có thể tham gia vào các quan hệ dân sự với tư cách là chủ thể độc lập.
Đốí với những trường hợp là những người đã đến tuổi trưởng thành từ 18 tuổi tròn trở lên nhưng bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc đó là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì khi tham gia vào các quan hệ dân sự phải có những điều kiện nhất định: được sự đồng ý hoặc phải có người giám hộ.
  1.   Quyền của người lập di chúc.
Thứ nhất, chỉ định người thừa kế. Người lập di chúc có quyền chỉ định bất cứ ai, không nhất thiết thuộc hàng thừa kế, là bất cứ người nào kể cả cơ quan, tổ chức làm người thừa kế để hưởng di sản theo di chúc của mình.
Thứ hai, truất quyền hưởng di sản. Tôn trọng ý chí của người để lại di sản, pháp luật thừa kế cho phép người lập di chúc phế truất quyền hưởng di sản của một người thừa kế nào đó nếu muốn. Do đó, người thừa kế đã bị truất quyền hưởng di sản thì sẽ mất tư cách người thừa kế mà họ có được do luật định.
Thứ ba, quyền phân định di sản cho từng người thừa kế. Người lập di chúc có quyền phân chia một cách cụ thể cho người thừa kế nào hưởng phần di sản là bao nhiêu hoặc hưởng di sản là hiện vật gì.
Thứ tư, quyền giao nghĩa vụ cho người thừa kế. Theo sự chỉ định trong di chúc, người thừa kế phải thực hiện một công đôi việc vì lợi ích vật chất của người khác mà đáng lẽ khi còn sống, người để lại di sản phải thực hiện như việc trả nợ, bồi thường thiệt hại,… Tuy nhiên, người thừa kế không phải thực hiện những nghĩa vụ về tài sản gắn liền với nhân thân của người để lại di sản.
Thứ năm, người lập di chúc có quyền dành một phần di sản để di tặng. Di tặng là việc người để lại di sản dành một phần trong số di sản để tặng cho người khác thông qua việc thể hiện ý chí, nguyện vọng trong một di chúc. Người nhận tài sản di tặng được coi là một bên trong hợp đồng tặng cho nên họ được hưởng di sản mà không phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại.
Thứ sáu, quyền được để lại di sản dùng vào việc thờ cúng. Không ai có thể buộc một người phải dành một số di sản khi chết để con cháu lo việc cúng giỗ cho họ và tổ tiên của họ nhưng nếu bằng di chúc, người để lại di sản thể hiện ý nguyện như vậy thì ý nguyện đó phải được tôn trọng.
Thứ bảy, quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ di chúc. Nếu người lập di chúc có sự thay đổi ý chí thì việc định đoạt trong di chúc sẽ bị thay đổi, Sự thay đổi đó xảy ra khi người lập di chúc hoặc bổ sung di chúc và di chúc đã lập mâu thuẫn với phần bổ sung. Việc sửa đổi, bổ sung di chúc phải được thể hiện bằng văn bản riêng biệt kèm theo di chúc đã lập.
Thứ tám, quyền thay thế di chúc. Theo quy định của pháp luật, khi người lập di chúc đã thay thế di chúc thì những di chúc trước hoàn toàn không còn hiệu lực.
Thứ chín, quyền chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản. Để đảm bảo ý chí tự nguyện của mình không bị người khác xâm phạm, để tránh việc thất lạc, hư hỏng di chúc, người lập di chúc có thể gửi lại di chúc ở văn phòng công chứng, phòng công chứng hoặc gửi bất kỳ người nào mà mình tin tưởng giữ bản di chúc. Người lập di chúc cũng hoàn toàn có quyền chỉ định ai là người quản lý di sản, người phân chia di sản.Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;

2.2.      Hình thức

“Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.”
  1. Di chúc miệng
Di chúc miệng được hiểu là sự bày tỏ ý chí của người lập di chúc thông qua hình thức bằng lời nói để định đoạt tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Di chúc miệng chỉ được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng phải ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Văn bản ghi lại nội dung di chúc miệng của người lập di chúc thì phải được công chứng, hoặc chứng thực hợp pháp trong thời gian 05 ngày kể từ ngày người lập di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng để nhằm mục đích xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng trong nội dung di chúc.
Tuy nhiên, có trường hợp di chúc miệng dù hợp pháp vẫn có thể bị hủy bỏ. Theo khoản 2 Điều 629 Bộ luật Dân sự 2015, sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Như vậy, trong trường hợp di chúc miệng bị hủy bỏ nêu trên, để thể hiện nguyện vọng của mình về việc phân chia tài sản sau khi chết, cá nhân phải lập di chúc bằng văn bản.
Riêng về người làm chứng, Điều 632 Bộ luật Dân sự quy định, những người sau không được làm chứng cho việc lập di chúc: Người thừa kế của người lập di chúc; Người có quyền và nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung di chúc; Người chưa thành niên, người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Nếu để những người này làm chứng khi lập di chúc miệng, di chúc miệng cũng không được công nhận về mặt pháp lý.
Khác với việc lập di chúc bằng văn bản, di chúc miệng không có hiệu lực ngay mà theo quy định, nếu một người vẫn còn sống, minh mẫn và sáng suốt sau 03 tháng kể từ thời điểm người này lập di chúc miệng thì nội dung di chúc miệng đã được lập sẽ bị hủy bỏ, đương nhiên hết hiệu lực.   
  1. Di chúc bằng văn bản   
Di chúc bằng văn bản được hiểu là sự bày tỏ ý chí của người lập di chúc thông qua hình thức chữ viết để định đoạt tài sản của mình cho người khác sau khi chết và hình thức này phải đảm bảo các điều kiện nhật định theo quy định của pháp luật. Theo đó, người lập di chúc có thể tự mình viết di chúc, đánh máy di chúc hoặc có thể nhờ người khác viết hoặc đánh máy lại di chúc nhưng phải đáp ứng thêm các điều kiện về người làm chứng hay phải xác có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.   
Di chúc bằng văn bản bao gồm                                  
Thứ nhất, Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.
Việc lựa chọn lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, theo quy định tại Điều 633 Bộ luật Dân sự năm 2015, được áp dụng trong trường hợp người lập di chúc tự mình viết di chúc và kí vào văn bản di chúc. Đồng thời việc lập di chúc phải tuân theo nội dung di chúc quy định tại Điều 631 BLDS 2015.  

Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng mang ý nghĩa trong việc thể hiện đây là thông tin bảo mật người người lập di chúc, họ tự do xác lập ý chíc của mình trong nội dung di chúc mà không sự chứng kiến hay đồng ý của bất kí ai khác.
Thứ hai, Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.
Việc lựa chọn lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng, theo quy định tại Điều 634 Bộ luật Dân sự năm 2015, được áp dụng trong trường hợp người lập di chúc tự mình viết di chúc và có yêu cầu người làm chứng hoặc thuộc trường hợp người lập di chúc không tự mình viết di chúc, nhưng tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc. Đối với di chúc được lập trong trường hợp này, theo quy định của pháp luật thì di chúc phải có ít nhất hai người làm chứng.
Người lập di chúc còn phải ký tên hoặc điểm chỉ vào nội dung di chúc trước sự chứng kiến của những người làm chứng. Những người làm chứng sau khi đã chứng kiến về việc ký tên hay điểm chỉ của người lập di chúc thì phải xác nhận về chữ ký, hay điểm chỉ của người lập chúc vào nội dung di chúc. Đồng thời, người làm chứng cũng phải ký tên dưới nội dung xác nhận về chữ ký, điểm chỉ nêu trên để đảm bảo tính chất pháp lý.
Thứ ba, Di chúc bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực.
Pháp luật ghi nhận quyền của người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc theo quy định tại Điều 635 BLDS 2015. Trong một số trường hợp thì việc công chứng hoặc chứng thực bản di chúc lại là yêu tố bắt buộc để một bản di chúc hợp pháp.
Chúng tôi sẽ có bài viết phân tích cụ thể hơn về di chúc bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực để các bạn có thể hiểu rõ hơn trình tự thủ tục của công chứng hoặc chứng thực di chúc hợp pháp.

2.3.      Nội dung

Nội dung của di chúc chỉ hợp pháp khi nó đáp ứng đủ điều kiện về nội dung, cụ thể di chúc không vi phạm điều cấm cảu luật, không trái đạo đức xã hội. Ngoài việc đảm bảo các quy định về nội dung di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái với đạo đức xã hội thì BLDS 2015 còn quy định các nội dung chủ yếu của di chúc tại Điều 631  BLDS 2015 như sau:
Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:
  • Ngày, tháng, năm lập di chúc: được coi là mốc thời gian lập di chúc, được coi là yếu tố quyết định đối với hiệu lực di chúc trong trường hợp khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực theo quy định tại khoản 5 Điều 643 BLDS 2015. Ngoài ra cũng là cơ sở để xác định độ tuổi của người lập di chúc, từ đó xác định tính hợp pháp của di chúc.
  • Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc: thông tin này nhằm xác định lại là người để lại di sản, người đó chết hay chưa, để từ đó làm cơ sở xác định hiệu lực của di chúc.
  • Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản: thông tin này thể hiển người được hưởng di sản là ai, nếu không có thông tin về việc định đoạt di sản cho người được hưởng si sản thì di chúc không còn tồn tại đúng ý nghĩa pháp lý của nó nữa và từ đó cũng không xuất hiện quan hệ thừa kế di chúc.
  • Di sản để lại và nơi có di sản: Người lập di chúc chỉ có thể được định đoạt các tài sản thuộc quyền sở hữu của mình, do đó việc phải nêu rõ di sản trong di chúc có ý nghĩa trong việc xác định di sản đó có thuộc quyền sở hữu của mình hay không và là căn cứ xác định hiệu lực pháp luật hay không.
Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, di chúc có thể có các nội dung khác. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.
Trên đây là những điều kiện để một bản di chúc có hiệu lực pháp luật. Hy vọng chúng tôi đã giải đáp một phần nào đó những thắc mắc của các bạn về vấn đề hiệu lực của di chúc. Mọi thông tin thắc mắc và cần được hỗ trợ, vui lòng liên hệ chúng tôi.
LS TRẦN MINH HÙNG TƯ VẤN LUẬT TRÊN HTV